Sửa luật để ngăn 'bãi thải công nghệ'
Ngày 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì sửa Luật phải ngăn được việc nhập khẩu công nghệ cũ, tránh biến Việt Nam thành “bãi thải công nghệ” của thế giới.
Cần siết lại các quy định nhập trang thiết bị cũ để tránh trở thành
bãi rác thải công nghệ thế giới. (Ảnh minh họa).
Mua máy móc, thiết bị phần lớn lạc hậu 2-3 thế hệ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề, những bất cập trong 10 năm thực hiện Luật có giải quyết được những bất cập hay không? Để trả lời câu hỏi nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang trở thành bãi rác công nghệ của thế giới. Vậy Luật ra đời có chấm dứt được tình trạng này không? Với mức độ sửa chữa 16/61 điều thì có giải quyết được tất cả các bất cập, có thực hiện đầy đủ nội dung tư tưởng để phát triển thị trường khoa học công nghệ hay không? Nếu không thì cần sửa đổi toàn diện.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Phan Thanh Bình thì cho rằng, chúng ta nặng về nhập khẩu công nghệ thiết bị lạc hậu, nhưng chuyển giao công nghệ trong nước thì như thế nào? Việc chuyển giao công nghệ nội bộ giữa Viện, trường với doanh nghiệp cái khó nằm ở đâu thì Luật phải giải quyết được cái này. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Việt Nam vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2-3 thế hệ, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Với tình trạng công nghệ như vậy thì việc chỉ sửa, bổ sung 16/61 điều của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 là chưa thể đáp ứng yêu cầu.
Khi giải trình, Bộ trưởng Khoa học công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, nếu chỉ sửa đổi bổ sung 16 điều thì không thể giải quyết được tất cả các vấn đề, không nhất thiết chỉ dừng lại ở 16 điều. Nếu kiểm soát công nghệ thì phải liên quan đến nhiều luật.
Ví dụ như vụ Formosa nhiều người hỏi tại sao lại để công nghệ như thế? Nhưng phải xem xét từ nhiều luật như phải xem xét từ Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường trong đó có Báo cáo đánh giá tác động ĐTM. Do vậy muốn kiểm soát được công nghệ đòi hỏi rà soát kỹ nhiều Luật liên quan.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra hoàn thiện Dự án luật theo hướng sửa đổi toàn diện, sau đó trình xin ý kiến Quốc hội.
Không để kế hoạch tài chính bị vênh
Chiều cùng ngày, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định về quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002, Ủy ban TVQH đã ban hành Nghị quyết số 387/2003/NQUBTVQH11 ngày 17/3/2003 ban hành Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.
Sau gần 14 năm tổ chức thực hiện, bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số quy định trong Quy chế ban hành kèm theo Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11 đến nay đã không còn phù hợp với thực tiễn, có những mẫu biểu được ban hành nhưng hiệu quả sử dụng thấp.
Theo Bộ trưởng Dũng, ngày 25/6/2015, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Ngân sách nhà nước thay thế cho Luật Ngân sách nhà nước năm 2002, với nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban TVQH về NSNN, trình tự thời gian lập báo cáo, cũng như trách nhiệm và nội dung Báo cáo của Chính phủ. “Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 20 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban UBTV,việc Ủy ban TVQH xem xét, ban hành Nghị quyết quy định về Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ và phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm thay thế cho Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11 là cần thiết”- Bộ trưởng Dũng cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhất trí với quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết của việc sửa đổi Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban TVQH để sửa đổi các quy định không còn phù hợp, khắc phục các hạn chế của Nghị quyết 387 hiện hành như về quy trình, thủ tục báo cáo, tài liệu trình kèm theo báo cáo, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, hệ thống biểu mẫu, thông tin tài chính ngân sách, và bổ sung quy định mới để bảo đảm thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước 2015.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho rằng, thời gian lập kế hoạch tài chính 5 năm bị vênh, và không phù hợp với Luật Đầu tư công khi theo luật là 31/1 của năm thứ 5, còn Nghị quyết quy định là 20/9. Hay việc phân ngành không phù hợp với Nghị quyết 23 của Quốc hội về nguyên tắc phân bổ vốn Trung ương. Điều này dẫn đến khó khăn trong tiêu chuẩn, và giám sát.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Dũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay đưa ra kế hoạch tài chính chỉ là định hướng, cho nên hàng năm Quốc hội đều có Nghị quyết riêng về NSNN. Dự báo không đúng, 5 năm sau là “đống dàn trải, là đống dở dang”. Không đạt được kế hoạch thì vô cùng nguy hiểm, rồi lãng phí, thất thoát. Cho nên cần dự phòng cho cả Quốc hội và Chính phủ. Thời gian qua, ách tắc trong giải ngân, trong đó có vấn đề đầu tư công và xây dựng, giao vốn chậm, thủ tục đầu tư chậm, xây dựng chậm cho nên cần thận trọng trong cả khung và định hướng.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc sửa đổi cần bao quát hết tổ chức, cá nhân, quy trình thẩm quyền trong quá trình lập cũng như thanh quyết toán. Yêu cầu cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh Báo cáo, trình ra Ủy ban TVQH tại kỳ họp sau.