Quyết tâm có nhưng khó thực hiện
Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo Báo cáo tài chính nhà nước, theo đó bắt đầu từ 2018, Bộ Tài chính và các tỉnh, thành phải có trách nhiệm công khai Báo cáo tài chính nhà nước lên mạng để người dân được biết và thực hiện giám sát. Liệu điều này có khả thi khi việc luôn tồn tại 2 (thậm chí nhiều loại) hệ thống sổ sách tại không ít cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp hiện nay?
Bình luận với Đại Đoàn Kết về việc minh bạch Báo cáo tài chính nhà nước, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ thẳng thắn nói: Tích cực là có nhưng rất khó thực thi. Vì ở đây có 3 vấn đề cần quan tâm: quy trình, công nghệ thông tin và nhận thức, thì xem ra chúng ta đều đang yếu cả.
Theo mục tiêu mà Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo, Báo cáo tài chính nhà nước phải đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện về tình hình tài sản nhà nước; nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước trong kỳ báo cáo.
Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc phản ánh toàn bộ thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc do Nhà nước quản lý trên phạm vi toàn quốc, bao gồm: Báo cáo tình hình tài chính nhà nước; Báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước.
Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh phản ánh toàn bộ thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc do Nhà nước quản lý trên phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Nội dung của Báo cáo tình hình tài chính nhà nước gồm: Tài sản nhà nước; Nợ và các khoản phải trả khác của Nhà nước; Nguồn vốn của Nhà nước...
Nội dung Báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước gồm: Thu nhập của Nhà nước; Chi phí của Nhà nước; Kết quả hoạt động tài chính nhà nước là chênh lệch giữa thu nhập và chi phí của Nhà nước trong kỳ báo cáo.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tình hình lưu chuyển tiền tệ, bao gồm các luồng tiền thu vào, các luồng tiền chi ra từ các hoạt động thường xuyên, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc một tỉnh trong kỳ báo cáo; số dư tiền và tương đương tiền của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc một tỉnh tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo.
Và theo dự thảo, ở cấp tỉnh, UBND tỉnh có trách nhiệm công khai Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh, bao gồm các thông tin chủ yếu là tình hình tài sản nhà nước; nợ chính quyền địa phương, các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước.
Còn ở cấp nhà nước, Bộ Tài chính cũng phải công khai các nội dung thông tin tương tự nhưng ở cấp nhà nước. Các cơ quan nhà nước phải lập Báo cáo tài chính nhà nước nhằm cung cấp thông tin về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, nợ công, vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tài sản, nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn của Nhà nước.
Việc công khai thông tin tài chính là rất quan trọng, trong khi nhiều nước khác đã công khai toàn bộ thông tin trên Báo cáo tài chính Chính phủ thì hiện nay, các văn bản liên quan đến tài chính cũng như ngân sách thường xuyên ở ta vẫn đóng dấu mật. Do vậy, nếu như tiến tới công khai Báo cáo tài chính nhà nước để người dân được theo dõi và giám sát thì đó là một bước tiến dài trong thời buổi kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. Mà theo nhận xét của chuyên gia kinh tế làm trong lĩnh vực thống kê, đó là một yêu cầu mới mẻ rất đáng vui mừng đối với Việt Nam.
Cũng theo Bộ Tài chính, nhu cầu được thông tin về Báo cáo tài chính nhà nước hiện rất lớn. Đó không chỉ là nhu cầu từ bên trong của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, người dân nhằm thực hiện vai trò kiểm tra, kiểm soát và giám sát mà còn từ bên ngoài của các nước và các tổ chức quốc tế tài trợ.
Nhưng liên quan đến tính xác thực các số liệu sẽ được công khai? Liệu có thật sự đáng tin cậy khi chính Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong một cuộc làm việc vào tháng 6 vừa qua cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế là số liệu thống kê chênh lệch, không biết tin vào số liệu nào để chỉ đạo điều hành? Chưa kể, chỉ tính ở một điểm nhỏ, hiện nay theo yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải công khai báo cáo tình chính nhưng các doanh nghiệp gần như phớt lờ. Từ đó có thể đặt câu hỏi liệu, việc công khai Báo cáo tài chính nhà nước có thể hoàn thành được không, và chất lượng Báo cáo sẽ ở mức độ nào?
Kiến tạo đất nước là điều tiên quyết, hoàn thiện thể chế kinh tế là điều tất yếu. Và để hoàn thành được 2 điều kiện cần này cũng cần phải có 2 điều kiện đủ là minh bạch, và dân chủ. Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, chúng ta phải nâng cao nhận thức. Biết là việc công khai các số liệu rất khó nhưng không thể không làm. Các nước đã tiến hành công khai thì Việt Nam không thể bưng bít. Nhưng chính TS Hồ cũng đặt câu hỏi, hiện tại chuẩn mực tính nợ công còn chưa có, nợ đọng xây dựng cơ bản các địa phương không thống kê hết, nếu sau này các ủy ban nhân dân tỉnh trả lời một số dữ liệu buộc phải “mật” thì lấy đâu con số để tổng hợp, báo cáo.
Do vậy ngoài việc đưa ra các nội dung cần công khai thì cần quy rõ trách nhiệm, để việc công khai số liệu tài chính được thông suốt từ cấp nhà nước đến cấp tỉnh cũng như cấp ngành. Các con số tài chính khi đưa ra cần phải biết nói. Báo cáo tài chính thực chứ không phải báo cáo tài chính ảo, báo cáo tài chính đã được tô hồng, nhìn qua lăng kính.
TS Lưu Bích Hồ cũng cho rằng, đồng bộ, chuẩn hóa, tin học hóa đồng thời, cũng yêu cầu phải công khai, minh bạch cách lập Báo cáo tài chính để bảo đảm hiệu quả con số thống kê, tạo niềm tin cho người khai thác sử dụng thông tin.
Trong khi đó giới chuyên gia bình luận rằng, hệ thống khung khổ pháp lý bao gồm Luật Thống kê, Luật Kế toán, Luật Ngân sách cũng đã khá đầy đủ, tạo cơ sở để tiến tới công khai báo cáo tài chính nhà nước. Quyết tâm có nhưng thực hiện được đến đâu mới là điều đáng bàn.