Cấp giấy phép phải đi kèm kiểm tra, giám sát
Đó là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý ngoại thương diễn ra ngày 14/9.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu. Ảnh: TTXVN.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, trong quá trình hội nhập phải tính đến yếu tố phát triển nhưng Luật đang nặng về quản lý nhiều hơn là phát triển ngoại thương, nặng về quy định giấy phép.
Quyền lực của Bộ trưởng Công thương là rất lớn, trong khi ở đây sự giám sát minh bạch được thể hiện ở điều khoản nào trong Luật? Hạn ngạch là vấn đề rất khó, vậy minh bạch quyền lực của Bộ Công thương ở quy định nào?-ông Bình đặt vấn đề; đồng thời lưu ý: “Chúng ta đưa ra các biện pháp phòng hộ khi hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, nhưng khi doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài bị chèn ép vậy các quy định bảo vệ các doanh nghiệp ở đâu trong khi hiện nay tình trạng này đang rất nhiều? Các hiệp định FTA, WTO nhìn có vẻ bình đẳng nhưng hệ thống phòng vệ của các nước rất mạnh mẽ, hàng hóa vào rất khó. Các Hiệp hội có bảo vệ doanh nghiệp khi ra nước ngoài hay không? Xuất khẩu từ tôm, lúa, hạt điều vậy Hiệp hội nghề nghiệp có hỗ trợ hay không?”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, cấp giấy phép phải đi kèm kiểm tra, giám sát. Kiểm tra xuất nhập khẩu ở nước ngoài cái gì họ xuất thì ít kiểm tra, còn nhập vào nước họ thì kiểm tra rất kỹ như xem công nghệ có lạc hậu, cũ hay không nhưng ta lại chưa làm được điều đó.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, cấm cái gì phải quy định trong Luật. “Tính hợp hiến có liên quan đến các điều cấm, Hiến pháp đã nói rõ cái gì cấm phải được quy định trong luật. Trong khi ở Luật này có những quy định hạn chế hàng hóa xuất nhập khẩu là hạn chế quyền tự do kinh doanh. Luật không quy định mà giao cho Chính phủ quy định thì có hợp lý hay không? Nên chăng cần rà soát và quy định vào trong luật để đảm bảo tính minh bạch”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Đồng quan điểm, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu chưa quy định rõ ràng trong Luật thì cần quy định rõ trong Luật để đảm bảo tính pháp lý, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân. Như thời gian qua chất salbutamol chẳng hạn, đây là chất trong ngành y dùng để chữa bệnh hen nhưng lại là chất cấm trong chăn nuôi vì gây tạo nạc. Do chúng ta không quản lý thống nhất, chưa đưa ra được hạn ngạch nhập khẩu nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cấm, còn Bộ Y tế thì nhập.
"Theo thông tin từ báo chí trong những ngày qua thì có đến vài tấn salbutamol bị tuồn ra ngoài. Do đó trên cơ sở thực tiễn hiện nay cần quan tâm đến ban hành chi tiết danh mục hàng hóa cấm”- bà Hải chỉ rõ.
Buổi chiều Ủy ban TVQH cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đấu giá tài sản. Dự thảo Luật quy định, tài sản là khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua trong trường hợp VAMC lựa chọn bán thông qua đấu giá.
VAMC tự đấu giá hoặc ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty đã mua.