Nghĩa tình nơi vùng biển Tây Nam - Bài cuối: Tình quân dân trên đảo

Quốc Định 15/09/2016 07:10

Sống trên các đảo luôn phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, điều kiện đi lại, học hành không thuận lợi nhưng người dân ở các đảo tiền tiêu, vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc vẫn luôn nỗ lực lao động, sản xuất ổn định cuộc sống. Những tấm gương vượt khó làm giàu sáng trên đất đảo tiền tiêu. 

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng người dân trên các đảo vẫn quyết tâm bám trụ để bảo vệ biển, đảo.

Hồi sinh sau thảm họa thiên tai

Ông Nguyễn Thanh Dung (xã đảo An Sơn, thuộc quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang), 58 tuổi nhưng đã có 52 năm sống ở đảo. Ông Dung kể, lúc 6 tuổi, ông cùng với gia đình ra đảo, khi đó toàn đảo chỉ có 7 hộ làm nghề chài lưới để kiếm sống. Mãi đến sau này, khi Nhà nước đưa các hộ dân khác từ đất liền ra theo diện kinh tế mới thì ở đây mới xôm tụ các ngành nghề phát triển.

Ở đây lâu, có không ít chuyện buồn chuyện vui, thế nhưng theo lời kể của ông Dung thì ám ảnh nhất là khi cơn bão số 5 bất ngờ đổ bộ vào các tỉnh Tây Nam, trong đó quần đảo Nam Du là một trong những trọng tâm của cơn bão. Trận cuồng phong đó đã cướp đi hàng trăm sinh mạng ngư dân, tàn phá nhiều nhà cửa, tài sản. Những người ra đi toàn là lao động chính của mỗi gia đình nên sau cơn bão đời sống của đại bộ phận người dân các xã gặp vô vàn khó khăn. Thế nhưng, nhờ có sự hỗ trợ của Chính phủ, các nhà hảo tâm, bộ đội biên phòng đến nay đời sống của bà con đã ổn định, nhiều người trở nên khấm khá. Đặc biệt là vài năm nay, Nam Du đã phát triển được ngành du lịch, tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Trường Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Thổ Châu (đảo Thổ Chu) cho biết: Hiện cuộc sống của người dân trên đảo khá ổn định, kinh tế biển phát triển thuận lợi, ngư trường rộng, các hoạt động nghề cá góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân đảo. Theo ông Vũ, Thổ Châu là xã xa đất liền, nhưng các cấp chính quyền địa phương đã nỗ lực khắc phục khó khăn. Toàn xã có hơn 500 nóc nhà với gần 2.000 nhân khẩu, nhưng chỉ còn 31 hộ nghèo. Hiện xã đã có trường cấp 1, cấp 2 và trạm y tế đưa vào sử dụng đầu năm 2012. Con đường quanh đảo Thổ Chu dài 5,2km khởi công với vốn đầu tư 102 tỉ đồng, đã hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2012, tạo điều kiện cho người dân trên đảo đi lại thuận tiện hơn.

Còn tại xã đảo Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang trong tổng số 420 hộ dân sống với 1.760 nhân khẩu, nhưng chỉ có 6 hộ nghèo. Ông Bùi Thanh Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, thu nhập bình quân đầu người của xã khoảng gần 50 triệu đồng/người/năm. Điều kiện sinh hoạt cũng được tỉnh quan tâm. Khai thác hải sản một năm 22.000 tấn. Theo ông Tấn, xã có 14 đảo lớn, nhỏ, trong đó có nhiều đảo có dân sinh sống, như: Hòn Tre, Hòn Ngụ, Hòn Giang, Hòn Đồi Mồi, Hòn Tre Nhỏ. Trung bình một tuần, xã Tiên Hải đón 70 khách du lịch đến tham quan.

Cùng với bộ đội giữ đảo

Qua các điểm đảo, chúng tôi hỏi nhiều bà con có muốn vào đất liền sống không? Hầu hết người dân đều có chung một nguyện vọng là không muốn rời đảo vì cuộc sống ở đây đã ổn định. Ông Nguyễn Thanh Dung, khẳng định: “Tôi ở đây từ nhỏ, đã quen rồi, người dân chúng tôi cùng với bộ đội vượt qua bao khó khăn, chúng tôi sẽ ở đây để cùng với bộ đội bảo vệ biển, đảo chứ”.

Đại tá Dương Đức Mười- Trung đoàn trưởng Trung đoàn 152, cho biết: “Hàng ngày, có hàng chục tàu bè của ngư dân ra vào cảng Thổ Chu. Lúc cao điểm, đến hàng trăm chiếc, Thổ Chu trở thành điểm trung chuyển hải sản và cung cấp nguyên vật liệu của tàu thuyền đánh cá. Do vậy, các lực lượng đóng quân trên đảo luôn tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân làm ăn, nhất là mùa mưa bão”. Ở quần đảo Thổ Chu có nhiều đảo nhỏ nổi, chìm, trong đó lớn nhất là đảo Thổ Chu diện tích gần 1.400ha. Đây là vùng trọng yếu ở vùng cực Nam tổ quốc nên các lực lượng đóng quân trên đảo luôn chú trọng phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng.

Nói về tình đoàn kết quân - dân nơi đảo xa, ông Nguyễn Trường Vũ - Bí thư Đảng ủy xã Thổ Châu cho biết: “Xã và Ban chỉ huy đảo Thổ Chu đã ký kết quy chế bảo vệ và khai thác rừng. Thời gian tới, xã chủ động tăng cường hơn nữa sự hợp tác, hỗ trợ của Ban chỉ huy đảo để tình quân dân trên đảo ngày càng bền chặt hơn”.

Quốc Định