Tưng bừng lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ
Là lễ hội dân gian truyền thống lâu đời bậc nhất của người dân TP Hồ Chí Minh, lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ đã vượt qua ranh giới của huyện đảo Cần Giờ để đến với đông đảo người dân thành phố và cả những khách thập phương nhờ sự kết hợp giữa du lịch biển hiện đại và văn hóa biển truyền thống lâu đời.
Đánh cờ người ở lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ.
Hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng 8 ngư dân Cần Giờ lại náo nức với Lễ hội Nghinh Ông, các chủ phương tiện cất công trang hoàng cờ phướn cho con tàu thêm rực rỡ để tham gia cuộc rước Nghinh. Những người mặc trang phục binh lính thời vua Gia Long cung nginh kiệu Đức Ông Nam Hải cùng các sắc phong lên tàu hoa. Tàu hoa sẽ dẫn đầu đoàn tàu ra biển qua hướng Vũng Tàu. Sau khi chạy một vòng ra biển và khấn vái xong đoàn tàu sẽ quay trở về bến Cần Giờ để chuyển sang cuộc diễu hành trên bờ.
Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ chia sẻ, những năm gần đây, lễ hội Nghinh Ông không chỉ là khoảng thời gian vui nhộn nhất trong năm của bà con Cần Giờ mà nó còn là khoảng thời gian thu hút đông đảo du khách. Họ hầu hết là du khách ở thành phố hoặc thậm chí cả tỉnh khác hay cả người nước ngoài. Theo thống kê, trung bình ba năm trở lại đây, lượng du khách tìm đến huyện đảo Cần Giờ đều vào khoảng 50 ngàn người trong thời gian 3 ngày lễ hội.
Theo nhiều người, mặc dù lễ hội Nghinh Ông xuất hiện ở khá nhiều làng biển dọc theo chiều dài đất nước từ vùng ven biển miền Trung cho tới tận biển Tây nhưng lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ vẫn có nét đặc trưng riêng. Đó là việc được Nhà nước công nhận đây là Di sản văn hóa cấp Quốc gia với một quy mô và lịch sử tồn tại khá lâu đời. Hiện nay, tại khu vực Lăng Ông Thủy Tướng, nơi thờ phụng và cũng là khởi nguồn của lễ hội vẫn còn bộ xương cá Ông khổng lồ cực lớn. Ngoài ra, ở đây cũng còn lưu giữ rất nhiều hiện vật nghề biển, làng biển và dấu ấn văn hóa thăng trầm của con người vùng biển này từ thời cha ông đi mở cõi. Thậm chí, ngay cả mô hình ghe tàu cách đây hàng trăm năm cũng được lưu giữ.
Nhờ sự quảng bá của chính quyền địa phương, lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ còn kết hợp với những hoạt động lễ hội văn hóa đặc sắc như cờ người, đá bóng cà kheo, bơi lội, ẩm thực, ca múa nhạc và đặc sản biển… để thu hút du khách.
Có lẽ, chính nhờ sự kết hợp giữa văn hóa biển độc đáo, trào lưu du lịch và những nét văn hóa dân cư đã khiến lễ hội Nghinh Ông phát triển từ lễ hội dân gian của những người ngư dân theo nghề biển thành lễ hội chung của người dân Cần Giờ với sự tham gia cộng hưởng của hàng chục ngàn du khách từ nơi khác.