Bài 2: Làng tỷ phú thờ ơ với lương hưu
Những năm qua, cho nhiều làng quê trên khắp các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đổi đời nhanh chóng và trở thành những làng tỷ phú, nhờ đó mà đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, diện mạo ở các miền quê đổi thay từng ngày. Thế nhưng việc tham gia BHXH tự nguyện với người dân vẫn là khái niệm xa xỉ.
Người dân đổi đời từ những vườn tiêu quanh nhà.
Chúng tôi về làng tỷ phú tiêu (thôn 2, xã Ea B’hốk, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) toàn thôn có 142 hộ, trong đó chỉ có 5 hộ cận nghèo, còn 22 hộ đã mua ô tô con cả tỷ bạc và trên 70 hộ xây nhà kiểu biệt thự trị giá từ 700 triệu đến hơn 1 tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi đi 1 vòng quanh thôn, ông Nguyễn Minh Yên - Trưởng thôn cho biết cả thôn ai cũng có nhà xây, nhà nào cũng có xe máy, ti vi, tủ lạnh. Giờ người dân trong thôn phần lớn họ chỉ quan tâm đến chuyện làm nhà, sắm xe, mua thêm đất mở rộng diện tích trồng tiêu, các phương tiện phục vụ sản xuất và chăm lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn.
Tuy là thôn có tỷ lệ hộ khá giàu đứng đầu xã, thế nhưng khi chúng tôi hỏi về việc người dân đã từng nghe và có ai tham gia BHXHTN chưa thì nhiều người lắc đầu bảo không biết, còn một vài người thì có nghe sơ sơ, còn việc tham gia mua loại bảo hiểm này thì gần như không ai mua.
Là gia đình có điều kiện của thôn mỗi năm cho thu cả chục tấn tiêu bán được cả tỷ đồng, không chỉ mua xe ô tô tiền tỷ, sửa sang nhà cửa hết mấy trăm triệu, thế nhưng anh Nguyễn Hoàng Ngọc cũng không tham gia loại bảo hiểm này. Anh Ngọc chia sẻ: “Tôi có nghe người ta nói về BHXHTN nhưng chẳng nắm được nội dung, quy định quyền lợi khi tham gia như thế nào nên tôi không mua.
Thấy mấy người đi giới thiệu, tiếp thị các gói bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm Bảo Việt tôi tham gia mua của công ty này 3 năm nay với mức đóng 25 triệu đồng/năm”. Ông Nguyễn Minh Yên cho biết: “Từ trước đến nay tôi mới chỉ nghe có bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, chứ BHXHTN như chú hỏi thì tôi không biết”.
Cũng theo ông Yên, hầu như cả thôn ai cũng mua gói bảo hiểm mà các công ty bảo hiểm như: Bảo Việt, Dầu khí, Prudential, AIA… về mở hội thảo giới thiệu rồi đi đến từng nhà giới thiệu, mời chào.
Bài 1: BHXH tự nguyện 'lưới đỡ' an sinh xã hội
Chị Nguyễn Thị Thiện ở thôn 6, xã Ea B’hốk từng làm giáo viên giảng dạy tại xã Ea Hu được 15 năm, thế nhưng do gặp phải tai nạn chị đành nghỉ việc ở nhà.
Trong quá trình tìm hiểu, chị thấy nếu tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động được hưởng 5 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất; còn tham gia BHXHTN thì chỉ được hưởng 2 chế độ: hưu trí và tử tuất... Thế cho nên chị chỉ đóng cho riêng mình, còn những thành viên khác trong gia đình thì chị lại mua các gói bảo hiểm của các công ty bảo hiểm đến tư vấn, tiếp thị.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Lộc- Chủ tịch UBND xã Ea B’hốk cho biết: Toàn xã có hơn 4.000 hộ với trên 17.800 khẩu sinh sống tại 9 thôn và 8 buôn. Hiện tỷ lệ hộ ngèo của xã giảm còn 6,6%, mức thu nhập bình quân đạt 45,5 triệu đồng/người/năm và xã đã đạt được 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Trong những năm qua thì tỷ lệ hộ giàu và khá của địa phương tăng lên đáng kể, hiện toàn xã có trên 60 gia đình mua sắm ô tô con. Đặc biệt các thôn 2, 3, 6, 7, 8 những năm qua người dân trúng mùa tiêu nên xuất hiện nhiều gia đình tỷ phú. Thế nhưng việc tham gia BHXHTN của người lao động trên địa bàn thì còn rất hạn chế, chủ yếu mới các đối tượng đã đóng bảo hiểm từ trước, giờ họ đóng thêm cho đủ thời gian để nhận lương hưu. Còn đa số người dân lao động họ không tham gia BHXHTN này. Lý do theo ông Lộc là do người dân chưa nắm rõ được chủ trương nên họ không mặn mà tham gia.
Ngày 1/1/2008, chính sách BHXHTN có hiệu lực thi hành đã mở ra cơ hội được tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH của Đảng và Nhà nước cho người lao động trong mọi thành phần kinh tế. Khi tham gia BHXHTN, lao động tự do có thu nhập thấp, không ổn định sẽ được hưởng lương hưu, bảo đảm cuộc sống khi về già. Đây là một chính sách an sinh xã hội hết sức nhân văn của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên tại tỉnh Đắk Lắk từ năm 2008 đến nay thì chưa có người nông dân nào tham gia loại hình BHXHTN này.
Bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Tính đến tháng 6-2016, toàn tỉnh Đắk Lắk có 1.481 người tham gia BHXHTN với tổng số tiền đóng 5,162 tỷ đồng. Phần lớn những người tham gia BHXHTN là công nhân, những người đã từng đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đủ tuổi nhận lương hưu. Đối với người nông dân tham gia bảo hiểm này thì đến nay chưa ghi nhận được ai tham gia”.
Cũng theo bà Xuân, việc người dân chưa mặn mà tham gia loại bảo hiểm này là do người dân chưa hiểu lợi ích của loại hình bảo hiểm này, trong khi BHXHTN yêu cầu đối tượng phải có mức thu nhập tương đối ổn định và thời gian tham gia dài, sau 20 năm tham gia mới được hưởng chế độ đã làm cho người dân e ngại.
Ông Trần Hồng Thái - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Cư Kuin cho biết: Hiện toàn huyện có 72 người tham gia BHXHTN. Theo ông Thái để giúp người dân tích cực tham gia loại hình bảo hiểm này trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội huyện tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; xây dựng hệ thống Đại lý thu BHXH đến từng xã, từng thôn để vận động người dân tham gia BHXHTN.