Để không là bãi rác công nghệ

Mai Loan 15/09/2016 00:26

Vấn đề này không mới nhưng vì sao vẫn cứ được nói đi nói lại nhiều lần tại rất nhiều diễn đàn; đặc biệt là tại Quốc hội. Có lẽ, giờ không chỉ đơn thuần là cảnh báo mà đã có xu hướng được “hiện thực hóa”. Năm 2015, trong kỳ họp thứ 9 QH khóa XIII diễn ra vào giữa năm, vấn đề này đã được đề cập trong phiên chất vấn ông Nguyễn Quân, khi ấy đang đương chức Bộ trưởng Bộ Khoa học& Công nghệ.

Việt Nam vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2-3 thế hệ.

Còn nhớ, vào thời điểm đó, bà Lê Thị Công – một ĐBQH của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã mang lo ngại đến QH và chất vấn Bộ trưởng KHCN đương thời về việc Việt Nam sẽ trở thành bãi rác công nghiệp.

Ý kiến của bà Lê Thị Công không phải không có lý khi chúng ta đang nỗ lực thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hút nhiều DN công nghệ cao đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Với một đất nước đang phát triển thì việc đầu tư cho KHCN là hoàn toàn đúng và đầu tư để có công nghệ hiện đại là hoàn toàn chính xác. Vấn đề là ở chỗ, nhà đầu tư nào cũng chỉ mong đầu tư có lời; lời càng nhiều càng tốt. Thế nên công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn xanh-sạch-đẹp tuy ta cần nhưng “bạn hàng” chưa chắc đã muốn. Đơn giản, với công nghệ cũ, lạc hậu nhà đầu tư thậm chí không cần hoặc chỉ cần rất ít tiền để rinh những thứ mà người ta muốn… cho không đến Việt Nam.

Chính vì thế, mới xảy ra tình trạng hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, dây chuyền công nghệ cũ đã qua sử dụng, chỉ có 10% doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại. Và dự báo, Việt Nam sẽ trở thành bãi rác công nghiệp, việc quản lý và xử lý sẽ vô cùng khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; vì thế đã được bà Lê Thị Công nhắc đến như một cảnh báo.

Vào thời điểm ấy, trả lời ĐBQH Lê Thị Công, Bộ trưởng Quân cũng xác nhận về một khả năng như thế, nếu như chúng ta không có những giải pháp, những hàng rào kỹ thuật. Chính vì vậy, vẫn theo ông Nguyễn Quân có cho biết, trong việc thực hiện Luật Thương mại, Bộ KHCN được giao xây dựng một văn bản để quy định về điều kiện sử dụng các thiết bị máy móc đã qua sử dụng để tránh tình trạng các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc lạc hậu, nhất là chúng ta hội nhập quốc tế mà sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng kém, không thể cạnh tranh được thì chúng ta thua trên sân nhà.

Nhưng câu chuyện là ở chỗ, chúng ta đã có Luật Chuyển giao công nghệ, thực hiện đã 10 năm mà bất cập thì vẫn còn không ít. Vì thế, chúng ta đang tính sửa luật.

Chỉ có điều, nói như Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề trong phiên họp TVQH hôm 13/9 thì, luật ra đời có chấm dứt được tình trạng này không? Có quản lý được công nghệ nhập khẩu hay không? Sửa 16/61 điều có đồng nghĩa với việc giải quyết được tất cả các bất cập, có thực hiện đầy đủ nội dung tư tưởng để phát triển thị trường khoa học công nghệ hay không? Nói tóm lại, toàn những vấn đề căn cơ.

Và, 10 năm có luật, chúng ta vẫn nặng về nhập khẩu công nghệ bị lạc hậu; trong khi chuyện chuyển giao đề tài nghiên cứu KHCN giữa các Viện và DN vẫn còn khó khăn, như lời của Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của QH Phan Thanh Bình nêu lên.

Còn, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Việt Nam vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2-3 thế hệ là chính. Nếu thế thật thì rất gay, vì không còn là dự báo: Việt Nam đã bắt đầu trở thành “bãi rác” công nghệ rồi và rất có thể tỉ lệ “rác” ấy đang tăng tỉ lệ thuận với số nhà đầu tư đang tăng ở Việt Nam.

Nếu thế thì gay to, nhất là khi chính ông Phan Xuân Dũng đã phải thốt lên: Do đó việc sửa luật cần khắc phục tình trạng lỗ hổng trong kiểm soát công nghệ hiện nay, nhất là đối với việc kiểm tra sau chuyển giao công nghệ, như trường hợp Formosa, bauxite Tây Nguyên, các dự án chế biến gỗ dăm…

Vậy thì quy trình kiểm soát có thật sự khó khăn hay không? Luật là vấn đề đầu tiên được nhắc đến. Cũng phải thôi, nếu không có luật được thiết kế chặt chẽ thì các khe hở của luật sẽ tạo điều kiện dung dưỡng cho công nghệ bẩn vào Việt Nam. Nhưng kể cả có luật rồi mà người thực thi vẫn cố ý làm trái thì cũng dễ phát hiện và xử lý.

Vì thế, luật là do con người làm ra; nếu họ không tuân thủ luật sẽ có nhiều cách để đi bên lề của luật. Và vì thế, hệ thống các luật liên quan cũng cần được rà soát một cách tổng thể, kỹ lưỡng để tránh việc bị rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười. Và, cốt nhất, để những người thực thi luật và kể cả những nhà đầu tư không có cớ vin vào mà làm liều. Nếu không thì chúng ta sẽ không thể thoát được cái tiếng là bãi rác công nghệ của thế giới.

Mai Loan