Bất cập tại sân bay Tân Sơn Nhất: Không phải trách nhiệm của riêng ngành hàng không
Nhiều bất cập liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất – TP HCM xảy ra liên tiếp thời gian gần đây, như quá tải cả nhà ga và ngoài sân đỗ sân bay; tình trạng ngập lụt mỗi khi có mưa to; các đường giao thông kết nối cũng thường xuyên tắc nghẽn, ngập úng;…đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong khi đó, ngành hàng không mong muốn sự vào cuộc của nhiều Bộ ngành, cũng như địa phương liên quan trong việc giải quyết những bất cập của sân bay lớn nhất – nhì đất nước.
Ngập úng liên tiếp xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất do mưa lớn.
Liên tiếp nhiều ngày qua, mưa lớn tiếp tục khiến nhiều bãi đậu máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất ngập nặng dẫn tới việc dư luận đặt nhiều nghi ngại về chất lượng hạ tầng thoát nước của sân bay. Không những vậy, nhiều tuyến đường dẫn vào sân bay (Trường Sơn, Hậu Giang, Tiền Giang, Đồng Nai, Hồng Hà,…) cũng ngập nặng trong nước.
Hiện nay, Bộ GT-VT cũng đã nhìn nhận nhiều bất cập liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất, như quá tải cả nhà ga và ngoài sân đỗ sân bay; tình trạng ngập lụt mỗi khi có mưa to; các đường giao thông kết nối cũng thường xuyên tắc nghẽn, ngập úng;…
Tuy nhiên, cho đến nay mọi vấn đề liên quan đến giải quyết ngập tại sân bay Tân Sơn Nhất được UBND TP giao cho duy nhất một đơn vị là Trung tâm Chống ngập TP nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tham mưu cho UBND TP.
Quan điểm của Bộ GT-VT là việc giải quyết vấn đề sân bay Tân Sơn Nhất phải bao gồm đồng bộ nhiều giải pháp, chứ không riêng chỉ công tác chống ngập. Ngoài ra, chính các dự án chống ngập đang triển khai lại là tác nhân khiến cho sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập nặng như nhiều ngày vừa qua.
Do đó, Bộ GT-VT đang đề nghị TP HCM triển khai nhanh dự án chống ngập úng cho sân bay Tân Sơn Nhất nói riêng và cả vùng xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất nói chung, bởi vì nếu để tình trạng ngập kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khai thác của ngành hàng không.
Trong đó, về mặt kinh tế khi có ngập sẽ làm nhiều chuyến bay của các hãng hàng không bị hủy, chậm chuyến, sẽ khiến gia tăng chi phí cho các hãng hàng không. Thứ hai về an toàn bay thì quá trình quản lý, điều hành bay trong điều kiện thời tiết xấu cũng sẽ ảnh hưởng đến an toàn bay, nhất là việc cất cánh, hạ cánh của các hãng hàng không.
Cho đến nay, người dân thành phố vẫn phải trông chờ nhiều vào các dự án được đầu tư lên đến trên 30.000 tỷ đồng cho việc xây dựng các tuyến cao tốc trên cao dẫn vào sân bay để hoạt động giao thông kết nối với sân bay được cải thiện hơn so với hiện tại.
Tuy nhiên, từ giai đoạn đề án đến khi giải quyết xong các khâu giải phóng đền bù, bàn giao mặt bằng cho đến khi triển khai dự án và hoàn tất không phải là chuyện một sớm một chiều.
Dư luận đặt kỳ vọng vấn đề giải quyết bất cập tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay không chỉ là chuyện riêng của ngành hàng không và TP HCM, mà cần sự phối hợp đồng bộ của Bộ GT-VT, Bộ Quốc phòng (việc giao diện tích đất do Bộ Quốc phòng quản lý) và các Bộ ngành liên quan để tình trạng ngập úng và ách tắc giao thông vào sân bay được giải quyết sớm nhất.