Ga tàu điện ngầm sát hồ Gươm: Thận trọng vị trí và phương án kiến trúc

Vi Cầm 16/09/2016 09:46

Liên quan đến dự án xây ga tàu điện ngầm sát hồ Gươm như Báo Đại Đoàn Kết đã thông tin, được biết nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai hiện các đơn vị liên quan đang tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu về vị trí cũng như phương án kiến trúc cửa ga C9, nhằm bảo tồn di sản trong quá trình phát triển đô thị.

Ga tàu điện ngầm sát hồ Gươm: Thận trọng vị trí và phương án kiến trúc

Không gian văn hóa hồ Gươm.

Vị trí ga ngầm C9 hiện mới là dự kiến

Trước đó nghe tin về dự án ga ngầm C9 đặt sát hồ Gươm (dự kiến ban đầu là phía sau đền Bà Kiệu và khu vực nhà vệ sinh bờ hồ Hoàn Kiếm), nhiều chuyên gia bày tỏ lo lắng về việc bảo tồn không gian văn hóa hồ Gươm khi không gian ấy đang ngày càng bị thu hẹp lại. Hơn thế, theo các chuyên gia kiến trúc, Hà Nội dù đã có qui hoạch chi tiết hồ Gươm từ 20 năm trước nhưng cho đến nay việc quản lý hồ Gươm vẫn theo cách… tùy hứng.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết xung quanh những vấn đề dư luận đang quan tâm, ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao (VHTT) Hà Nội cho hay: Việc xây lối lên xuống ga ngầm C9 đặt phía sau đền Bà Kiệu mới chỉ là một phương án dự kiến.

Tới đây thành phố Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học để xem mức độ ảnh hưởng của ga ngầm này với di tích đền Bà Kiệu ra sao? Nếu các nhà khoa học đồng thuận với phương án này thì mới tiến hành các thủ tục chính thức. Còn nếu chưa có sự đồng thuận thì phải tính toán lại các phương án để làm thế nào giảm thiểu tối đa những tác động tới khu vực hồ Gươm.

Trước thông tin một số nhà nghiên cứu đề xuất nên đặt địa điểm nhà ga C9 tại vị trí của Sở VHTT Hà Nội hiên nay, theo ông Tiến: Sở VHTT là trụ sở cơ quan hành chính nhà nước nên việc di dời để đặt lối lên xuống cho nhà ga C9 cần phải tính toán. Tuy nhiên, nếu đặt tại điểm này thì cũng phải tính lại chỗ làm việc mới cho Sở VHTT Hà Nội. Nhưng tất cả hiện nay chỉ mới dừng lại ở các phương án dự kiến, UBND TP. Hà Nội chưa có quyết định cuối cùng.

Thận trọng phương án kiến trúc cửa ga C9

Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố Hà Nội, đơn vị được thành phố giao nhiệm vụ tổng hợp các báo cáo đề xuất phương án xây dựng ga ngầm C9: Tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2 là một trong 8 tuyến ĐSĐT được xác định trong các đồ án quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2008. Tổng chiều dài tuyến 11,5km trong đó 8,5km, đi ngầm, 3km đi trên cao.

Về hướng tuyến, điểm đầu tại khu đô thị Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài-Hoàng Quốc Việt- Hoàng Hoa Thám-Thụy Khuê-Phan Đình Phùng (kết nối tuyến số 1-ga C8)-Hàng Giấy-Hàng Đường-Hàng Ngang-Hàng Đào-Đinh Tiên Hoàng-Hàng Bài-Điểm cuối phố giao với phố Trần Hưng Đạo (kết nối tuyến số 3-ga C10).Vị trí tuyến đã được triển khai đúng qui định và được UBND TP Hà Nội phê duyệt và công bố công khai.

Riêng về ga C9, vị trí ga nằm giữa ga C8 và C10 tại khu vực trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đã được Bộ VHTT&DL và UBND TP Hà Nội thống nhất. Theo bố trí mặt bằng của ga C9 đang nghiên cứu có 4 lối lên xuống.

Trong đó có 2 lối lên xuống, các công trình phụ trợ (tháp thông gió, thang cho người khuyết tật, tháp làm lạnh, máy phát điện) đã được thống nhất bố trí trong khuôn viên TCT Điện lực miền Bắc và TCT Điện lực Hà Nội. Hai lối lên xuống còn lại dự kiến bố trí tại khu vực tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh và khu vực nhà vệ sinh công cộng hiện có ven hồ Hoàn Kiếm.

UBND TP Hà Nội đang giao BQL Dự án đường sắt Hà Nội, Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội và một số cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ 2 vị trí nêu trên do đều có liên quan đến di tích Bà Kiệu và hồ Gươm.

Vì vậy trong quá trình nghiên cứu phải rất thận trọng lựa chọn phương án kiến trúc của lối lên xuống, nhằm đảm bảo hài hòa với cảnh quan khu vực, không có mái che, chỉ có lan can phù hợp. Mặt khác ga C9 có lưu lượng hành khách lớn nên yêu cầu thoát hiểm, an toàn, an ninh được đề cao. Tính từ vị trí cửa ga ngầm lên đến mặt đất phải vừa đảm bảo nhu cầu sử dụng thuận tiện, vừa đảm bảo yêu cầu thoát hiểm khi có sự cố.

Phương án đặt lối lên xuống ở phía đông đền Bà Kiệu sẽ phải xây dựng đường hầm dài khoảng 80-90m, khoảng cách này là phù hợp và sẽ kết hợp với dự án không gian đi bộ khu vực Hoàn Kiếm và phụ cận.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, hiện nay BQL Dự án đường sắt Hà Nội, Sở Quy hoạch- kiến trúc Hà Nội đang nghiên cứu về dự án nói trên. Sau khi hoàn chỉnh, UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức họp với các đơn vị liên quan nhằm tạo sự đồng thuận trong triển khai dự án ga ngầm C9.

Vi Cầm