Kinh hoàng lũ quét qua Quỳ Châu
Nhanh, mạnh, lại diễn ra vào ban đêm-trận lũ quét lịch sử đêm 13 và 14/9 vừa qua tại các xã thuộc huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã làm 4 người chết và nhiều người bị thương, thiệt hại ban đầu toàn tỉnh Nghệ An hơn 100 tỷ đồng.
Xã Châu Hội tan hoang sau lũ.
Tan hoang Châu Hội
Đó là những gì chúng tôi ghi nhận được trong sáng ngày 15/9 tại xã Châu Hội, Châu Nga (Qùy Châu) sau những ngày lũ dữ. Những ngày qua ảnh hưởng của cơn bão số 4 nên 2 xã Châu Hội và Châu Nga đã bị lũ ống, lũ quét trên diện rộng. Dọc theo các con suối trên địa bàn 2 xã, lũ đã càn quét hàng trăm hecta lúa đang trổ bông; cả trăm ngôi nhà bị ngập nặng, hàng trăm con gia súc, gia cầm trôi theo con nước.
Chưa hết bàng hoàng bà Lô Thị Minh (56 tuổi) Bản Đơn, xã Châu Hội cho biết: “Khoảng 3 giờ sáng ngày 14/9, nghe tiếng ầm ào, tỉnh giấc thì thấy nước đã ngập gần hết nhà. Nhiều tài sản như xe máy, gỗ bị nước cuốn trôi, nếu chậm chân một chút chắc tôi đã bị lũ cuốn rồi, nước quá nhanh và quá mạnh, từ lâu giờ mới thấy cảnh tượng kinh hoàng như vậy”.
Theo người dân Châu Hội, thì đây là trận lũ lịch sử trong hàng chục năm qua, chỉ trong thời gian ngắn nước lũ dâng cao 3-5m, cuốn phăng tất cả những gì trên đường. Riêng tại bản Đơn, xã Châu Hội sau trận lũ quét mọi thứ đều trở về con số không. Nhà cửa, ruộng vườn, tài sản bị cuốn phăng. Tất cả mọi thứ đã trôi theo dòng nước, đường sá bị xé toang, những cây rừng cũng bị gẫy dập nằm lăn lóc trên đám ruộng sau khi nước rút đi.
Tại xã Châu Nga, cũng cảnh kinh hoàng tương tự, những căn nhà sàn bị dòng nước mạnh làm xiêu đổ, cây cối, rác tấp đầy nhà. Ông Lang Văn Nam – xã Châu Nga chưa hết bàng hoàng nhớ lại: “Trong đêm tối, cả nhà ngon giấc thì nước từ đâu đổ về, chỉ kịp chạy lấy người chứ tài sản bị cuốn đi hết, thật kinh khủng, trận lũ ống lớn nhất từ trước đến nay, gần 60 tuổi rồi tôi mới thấy trận lũ kinh hoàng như thế này”.
Cùng đi với chúng tôi vào hiện trường trận lũ quét, có ông Trần Quang Hòa - Phó Tổng cục Trưởng Tổng Cục Thủy lợi, ông Hòa bảo có vào đây mới thấy hết sự tàn phá khủng khiếp của cơn lũ. Cũng theo ông Hòa, trong 3 ngày, từ 12-14 lượng mưa tập trung ở đây quá cao đã gây ra lũ quét, sạt lở núi… Hiện chúng tôi đang chỉ đạo các cấp ngành khẩn trương cùng với nhân dân khắc phục hậu quả.
Theo báo cáo nhanh của Trung tâm phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An tính đến thời điểm này, có 4 người chết và mất tích (trong đó huyện Quế Phong có 2 người; huyện Quỳ Châu có 1 người, huyện Nghi Lộc có 1 người), phát hiện được 3 thi thể trôi sông được xác định là nạn nhân người Như Xuân (Thanh Hóa).
Hiện chính quyền đang cố gắng khắc phục tạm thời những điểm sạt lở, lợp lại mái nhà cho dân, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn; đồng thời đôn đốc các ngành chức năng sớm thống kê thiệt hại, cấp phát gạo và nhu yếu phẩm cần thiết, kịp thời cho người dân bị vùng bị thiệt hại....
Ngoài ra, tại huyện Quế Phong, mưa lớn kéo dài kèm theo lũ quét đã bao vây xã Nậm Giải khiến 1 người chết, 1 người mất tích. Mưa lũ cũng làm hơn 211 gia đình, 514 nhân khẩu cùng 20 bản khác bị cô lập, lũ quét đã gây ngập úng 566,8 ha lúa và hoa màu; 850 con gia cầm bị cuốn trôi; 24 con lợn và 1 con trâu bị chết; 54 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề…
Phơi lại sách vở sau lũ quét.
Tiếp tục tìm kiếm người mất tích
Sáng 15/9, cơ quan chức năng cùng người dân huyện Như Xuân (Thanh Hóa) tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm 5 nạn nhân bị mất tích trong vụ lũ quét xảy ra vào đêm 14/9. Tuy nhiên, do địa bàn hiểm trở, lượng đất đá vùi lấp trong vụ sạt lở là rất lớn nên mọi nỗ lực vẫn chỉ rơi vào vô vọng.
Trước đó, như Đại Đoàn Kết đã đưa tin: Vào khoảng hơn 4h sáng ngày 14/9, có 10 người dân thôn Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, Thanh Hóa đi lấy măng ở địa bàn xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đã bị đất đá sạt lở chôn vùi. 3 trong số 10 người gặp nạn đã may mắn thoát chết, 2 người gặp nạn đã được đưa về an táng, 5 người mất tích còn lại đều là nữ giới.
Được biết, danh tính của 5 nạn nhân còn mất tích gồm: Bà Vi Thị Thau, Vi Thị Thanh, Vi Thị Nội, Vi Thị Seo, Vi Thị Tin (tất cả đều ở thôn Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân). Đồng thời, ngay trong tối 14/9, hai thi thể của ông Vi Đình Khoa và Lương Văn Thoại (trú tại thôn Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân) đã được các lực lượng chức năng đưa về gia đình, an táng theo phong tục địa phương.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, tối ngày 14/9, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các sở, ban, ngành đã trực tiếp tới thôn Chiềng Cà 2 thăm hỏi, động viên các gia đình bị nạn và chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân còn lại. Tại đây, ông Quyền yêu cầu các lực lượng tham gia tìm kiếm nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong thời gian sớm nhất.
Các cấp chính quyền, đoàn thể ở địa phương cần sớm ổn định tình hình, hỗ trợ các gia đình lo hậu sự cho người đã mất. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Phạm Đăng Quyền đã trao 5 triệu đồng hỗ trợ cho mỗi gia đình có người mất, trao 1 triệu đồng hỗ trợ cho một gia đình có người bị thương
Đến chiều ngày 15/9, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức tìm kiếm, cứu nạn những nạn nhân còn mất tích. Đồng thời, theo nhận định của những người tham gia cứu hộ trở về cho biết, khu vực xảy ra sạt lở khối lượng bùn, đất đá rất lớn, nhiều cây cối bị cuốn theo, khả năng các nạn nhân sống sót là rất khó.