Hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp: Thiếu hấp dẫn

Nhật Minh 17/09/2016 09:05

Dù với nhiều nỗ lực, song đến nay mới chỉ có khoảng 1% số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp- lĩnh vực được coi là bệ đỡ của nền kinh tế. Tại sao vậy? Câu hỏi được đặt ra lâu nay song vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Canh tác theo kiểu cũ, người nông dân vẫn phải một nắng hai sương.

Cái khó bó cái khôn

Chị Nông Thanh Tuyền, ở Vĩnh Phúc cho biết, thấy xu hướng thị trường đang cần nhiều loại thực phẩm sạch, nhà có mấy sào đất, chị tính đầu tư để trồng rau sạch. Do vốn liếng ít chị Tuyền cũng chỉ nghĩ đến sản phẩm có chi phí thấp nhất là trồng rau. Làm rau sạch cũng mất mấy chục triệu đồng tiền vốn đầu tư rồi. Theo chị Tuyền, với số vốn ít ỏi, chị muốn mở rộng thêm nuôi trồng một số loại cây, con nữa cũng không được, đúng là “cái khó bó cái khôn”.

Tương tự, anh Trần Văn Lĩnh, một nông dân ở xã Quốc Việt, Tràng Định, Lạng Sơn cho hay: Gia đình cũng muốn nuôi mấy chục đầu lợn, song bí vốn quá.

Thực tế, khoảng 10 triệu hộ nông dân hiện nay ở Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nguyên nhân chính vẫn là do nguồn vốn quá eo hẹp.

Thời gian qua, nhà quản lý cũng đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, tạo thêm nhiều động lực đổ vốn vào lĩnh vực này, song hiệu quả chưa được như mong muốn.

Theo nhận định của giới chuyên gia, để nâng cao năng suất và chất lượng của nông sản thì vai trò của doanh nghiệp trong việc đầu tư khoa học công nghệ vào nông nghiệp là vô cùng quan trọng. Vậy nhưng, số DN quan tâm đến lĩnh vực này vẫn chỉ ở một con số rất khiêm tốn. Số liệu mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố cho thấy, chỉ có chưa đến 1% DN nước ta đầu tư vào lĩnh vực này. Do nông nghiệp mang tính rủi ro cao, lợi nhuận thu về thấp và lại phải cần có một thời gian khá dài mới có được lợi nhuận, dẫn đến việc DN không đầu tư.

Mặc dù hiện nay đã có một số DN bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực này như VinGroup, PAN Group, Hòa Phát… nhưng đó vẫn là con số quá ít. Và trên thực tế, kể cả có các “đại gia” nói trên bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp thì vẫn chưa tạo được sự đột phá.

Hạn chế chính sách

Nói về chính sách hiện nay trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, TS Đặng Kim Sơn- nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Bộ NN&PTNT đưa ra khuyến cáo rằng, giới đầu tư, DN chỉ đầu tư vào nơi nào rủi ro thấp, lợi nhuận cao nên muốn thu hút nhà đầu tư trong nông nghiệp cần có định hướng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi hơn về chính sách pháp luật…

Thực tế thì chính sách trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ NN&PTNT) thừa nhận, chính sách hiện nay quá rườm rà, không hợp lý là một trong những nguyên nhân khó thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp. Các khoản hỗ trợ và vốn vay ưu đãi trong Nghị định số 210 và Quyết định 62 của Chính phủ không còn phù hợp với tình hình hiện nay.

Đưa ra giải pháp cho tình thế này, TS Đào Thế Anh- Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp cho rằng, muốn tăng đầu tư vào nông nghiệp, phải nhìn vào cả chuỗi giá trị nông nghiệp. Hiện nay, trong chuỗi này, đầu tư vào trực tiếp sản xuất thì ít, do những cản trở về đất đai. Một ví dụ được TS Đào Thế Anh đưa ra, Vingroup rất mạnh về tài chính và họ tự phát triển rau an toàn, trong thời gian gần đây họ đi đến tỉnh nào cũng kiếm 100 - 200 héc ta đất để làm rau sạch. Nhưng cho đến hiện nay họ phải thay đổi chiến lược rồi, tức là hợp tác với các HTX. Vừa rồi họ công bố có nhu cầu muốn hợp tác với 1.000 HTX.

Như vậy mô hình là sự kết hợp giữa DN và HTX, trong đó HTX tự sản xuất, còn DN đầu tư vào khâu sau thu hoạch, chế biến và phân phối. Nếu nhìn như vậy, TS Đào Thế Anh cho rằng, con số DN đầu tư vào nông nghiệp sẽ khả quan hơn, chứ không chỉ dừng ở con số dưới 1% như thông tin của Bộ NN&PTNT nêu ra.

Bên cạnh đó, TS Đào Thế Anh nhấn mạnh đến yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài. Theo ông, lĩnh vực nông nghiệp của nước ta hiện vẫn chủ trương ưu tiên nông dân, ít thu hút đầu tư nước ngoài. “Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp rủi ro cao, Việt Nam nên thu hút DN nước ngoài vào khâu sau chế biến thì phù hợp hơn, bởi nước ngoài họ mạnh về công nghệ và có thị trường”- ông Anh nêu quan điểm.

Nhật Minh