Người nhân giống cây lá tắm người Dao

Ngân Hà 17/09/2016 11:30

Đó là chị Tẩn Mí Dao, kĩ sư thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nậm Ma, xã Phìn Hồ (Sìn Hồ, Lai Châu). Công trình sáng tạo “Nhân giống cây lá tắm (Cù Tải Hpây) bằng giâm hom và trồng cây lá tắm dưới tán rừng” của chị là một trong 71 công trình sáng tạo khoa học, công nghệ vừa được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016.

Gặp chị Tẩn Mí Dao tại lễ công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2016 vừa qua, chị chia sẻ, đề tài này được xuất phát từ những đam mê nghiên cứu, tìm tòi bảo tồn sự đa dạng sinh học của những cây thuốc quý, giữ gìn những tri thức, truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Đồng thời, là một kĩ sư có công việc hằng ngày gắn bó với núi rừng chị Tẩn Mí Dao nhận thấy ý thức bảo vệ rừng của bà con ở địa phương chưa cao. “Do đó, tôi mong muốn tạo giống cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng như nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng cho người dân...”, chị Mí Dao chia sẻ.

Chị Tẩn Mí Dao.

Hiện nay ở Sa Pa (Lào Cai) đã có một số người thành lập hợp tác xã kinh doanh tắm lá thuốc và thu hái cây lá tắm từ rừng nhưng không qua nhân giống thành cây con mà trực tiếp trồng ở vườn nên tỷ lệ cây sống không cao mà lại tốn giống.

Tương tự một số hộ dân ở Phăng Sô Lin, Tả Phìn (Lai Châu) cũng đã trồng cây lá tắm dưới gốc cây ăn quả hoặc chân bờ dậu nhưng họ chỉ biết đào cả gốc về trồng. Do cây lá tắm bị đào cả gốc sẽ làm rễ bị tổn thương nên tỷ lệ sống rất thấp, 10 cây chỉ có 2 - 5 cây sống. Hơn nữa, ở gốc các cây này chủ yếu là các mắt ngủ rất khó ra mầm.

Qua nghiên cứu, Mí Dao nhận thấy cây lá tắm là loại cây thân leo mềm, chủ yếu sống ở ven núi đá vôi, dưới tán rừng già. Là cây rất khó sử dụng các biện pháp nhân giống. Vì vậy, để hom giâm sinh trưởng, phát triển tốt thì trước khi giâm nên xử lý hom giâm bằng các chất kích thích sinh trưởng. Đồng thời, cây lá tắm là cây ưa bóng, chủ yếu sống dưới tán rừng. Để cây lá tắm sinh trưởng, phát triển tốt cần tạo một môi trường sống phù hợp.

Theo kết quả nghiên cứu biện pháp trồng cây lá tắm dưới tán rừng thì 1 ha có thể thu hái được hơn 4000 kg, với giá bán hiện nay là 5.000 đ/kg. Nếu trồng 1 ha thì một năm có thể thu tới trên vài chục triệu đồng. Mí Dao cho rằng việc trồng cây lá tắm tạo nguồn cung ổn định cho kinh doanh tắm lá thuốc, thu hút nhiều khách du lịch, góp phần phát huy tiềm năng du lịch của vùng. Đồng thời, góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng vừa kết hợp công tác bảo vệ phát triển rừng và bảo vệ môi trường với tạo việc làm có thu nhập cao cho người dân, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo của huyện.

Được biết, đối với đồng bào người Dao, bất cứ người phụ nữ nào sau khi sinh nở đều phải tắm lá thuốc, nồi nước tắm cũng không thể thiếu trong đêm 30 tết. Cây lá tắm này có tác dụng giúp phụ nữ sau khi sinh lưu thông khí huyết, phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Sìn Hồ (Lai Châu) là huyện vùng cao có khí hậu mát mẻ quanh năm, rất thích hợp để trồng các loại dược liệu. Hom giống cây lá tắm được nhân giống từ việc thu hái tự nhiên trong khu vực nghiên cứu nên cây giống được tạo thành phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng.

“Sắp tới, tôi có dự định nghiên cứu sâu hơn nữa về cây lá tắm này nhằm phát triển quy mô hơn, quảng bá trên thị trường để mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân....”, chị Tẩn Mí Dao cho biết.

Ngân Hà