Trồng thanh long cho thu nhập cao
Hiện tỉnh Tiền Giang đang tập trung kêu gọi các nhà đầu tư cũng như có các giải pháp khoa học để cây thanh long phát triển bền vững, khẳng định được chỗ đứng của trái thanh long trong quá trình hội nhập.
Diện tích trồng thanh long ở Tiền Giang ngày càng được mở rộng.
Là địa phương có diện tích thanh long đứng thứ hai trong các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, những năm gần đây, nhờ cây thanh long đã mang lại hiệu quả cao cho người trồng nên diện tích trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tăng mạnh. Để đáp ứng yêu cầu thị trường và phát triển bền vững cây thanh long tại địa phương, ngành chức năng và các doanh nghiệp xác định sản xuất thanh long theo hướng an toàn thông qua việc áp dụng và chứng nhận VietGAP, GlobalGAP… Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện nay, tỉnh này có hơn 5.000 ha trồng cây thanh long, tập trung ở các huyện Chợ Gạo, Tân Phước, Gò Công Tây… Đây là một trong 7 loại trái cây đặc sản được tỉnh này xác định có lợi thế cạnh tranh.
Huyện Chợ Gạo được biết đến với vùng chuyên canh thanh long nhiều nhất tại tỉnh Tiền Giang với diện tích 4.561ha (trong đó 1.200 ha thanh long ruột đỏ, 3.200ha đang cho thu hoạch), sản lượng đạt 95.000 tấn/năm. Nhờ chuyên canh thanh long mà hầu hết các hộ dân ở các xã xã Quơn Long, Tân Thuận Bình, Thanh Bình, Phú Kiết, Mỹ Tịnh An, Trung Hòa... đều khá, giàu nhờ trồng và xử lý thanh long nghịch vụ. Theo ông Trần Văn Hòa - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Gạo, bình quân mỗi năm 1ha sản xuất 2 vụ nghịch, 1 vụ thuận, năng suất đạt khoảng 30 tấn/ha, lợi nhuận thu được trên 200 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 7 - 8 lần so với cây lúa. Chính vì thế, diện tích trồng lúa đã được thay thế dần bằng diện tích thanh long.
Tiền Giang hiện có 2 tổ hợp tác trồng thanh long là Lương Phú (xã Lương Hòa Lạc) và Quơn Long (xã Quơn Long) được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích gần 40 ha thanh long. Vùng trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP do Viện cây ăn quả miền Nam hỗ trợ; vùng thí điểm trồng thanh long VietGAP tại xã Mỹ Tịnh An và Lương Hòa Lạc do Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang triển khai.
Ông Trần Hữu Danh - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Việt cho biết, công nghệ cao được ứng dụng trong quá trình trồng và chăm sóc thanh long như công nghệ chiếu sáng bằng đèn Led tiết kiệm năng lượng, kết hợp với các giải pháp thâm canh tiên tiến và quảng bá, đăng ký bảo hộ quốc tế nhãn hiệu tập thể cho thanh long Chợ Gạo tại thị trường Trung Quốc và Mỹ. Để hỗ trợ nông dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm, toàn bộ thanh long của nông dân trong vùng dự án đều được công ty ký hợp đồng tiêu thụ với giá cao hơn 10% so với giá thị trường cùng thời điểm, đồng thời phía công ty hỗ trợ cũng hỗ trợ nhà sơ chế thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP để thanh long đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Hiện tại, huyện Chợ Gạo đã có 59 cơ sở thu mua thanh long cho bà con nông dân với sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm. Một số cơ sở đã liên kết, đưa trái thanh long xuất ngoại sang thị trường châu Âu và Trung Quốc (Trung Quốc khoảng 2/3 sản lượng xuất đi). Nếu giá thanh long khi xông đèn đạt khoảng 5.000 đồng/kg thì người trồng bắt đầu có lãi. Hiện tại, thanh long ruột đỏ được các cơ sở thu mua với giá 18.000 - 20.000 đồng/kg; ruột trắng giá 8.000 - 11.000 đồng/kg, đảm bảo người trồng có lãi. Những lúc cao điểm, giá thanh long ruột đỏ khoảng 50.000 đồng/kg; ruột trắng hơn 20.000 đồng/kg.
Hợp tác xã Mỹ Tịnh An (Chợ Gạo) bước đầu đã bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân trồng thanh long VietGAP nhưng chỉ được vài chục ha. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo thì toàn huyện có 220ha sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Đây là hình thức sản xuất giúp các doanh nghiệp chủ động được vùng nguyên liệu sạch, phục vụ cho xuất khẩu, đồng thời làm thay đổi nhận thức của người dân về lợi ích thiết thực trong việc sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, tạo sự liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp với nhau trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ, hướng đến thị trường xuất khẩu ổn định hơn cho trái thanh long Việt.