Cần góp phần giải quyết một số vấn đề cấp thiết hiện nay

V. Thắng 17/09/2016 20:24

Đó là yêu cầu được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đặt ra tại Đại hội thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam, ngày 17/9.

Toàn cảnh Đại hội thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam.

Phát biểu tại Đại hội, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chúc mừng sự ra đời của Hội Luật quốc tế Việt Nam; đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với các luật gia luật quốc tế mà đối với cả cộng đồng luật gia Việt Nam.

Từ những ngày mùa Thu lịch sử năm 1945, Bác Hồ đã sử dụng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế để khẳng định quyền độc lập, tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.

Trong thời điểm hiện nay càng thấy rõ tầm quan trọng của luật pháp quốc tế. Không chỉ là công cụ để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước mà còn là phương tiện mở rộng quan hệ đối ngoại thúc đẩy hội nhập quốc tế.

“Sự ra đời của Hội Luật quốc tế Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, là sự kế thừa và phát huy truyền thống vận dụng luật pháp quốc tế phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Khẳng định Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã nhận định tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, bên cạnh xu hướng hợp tác, hội nhập quốc tế, còn có nhiều nhân tố bất ổn, tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông còn diễn ra gay gắt, chính vì thế theo Phó Thủ tướng, hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học pháp lý quốc tế là một hoạt động quan trọng, góp phần tích cực, chủ động và hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, Hội Luật quốc tế Việt Nam cần tạo ra một diễn đàn tập hợp đông đảo các học giả, các nhà quản lý và thực hành pháp luật quốc tế, tổ chức những hoạt động có hiệu quả nhằm tuyên truyền, đào tạo, nghiên cứu luật pháp quốc tế phục vụ hội nhập quốc tế.

Đồng thời, Hội cũng cần cùng với những tổ chức pháp lý đã hình thành tại Việt Nam như: Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có những đóng góp, tư vấn và phản biện cho các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp, bảo đảm sự hài hoà và phù hợp giữa pháp luật quốc gia với các cam kết quốc tế, phù hợp với nguyên tắc được quy định tại Hiến pháp.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Hội cần có những hoạt động thiết thực góp phần giải quyết một số vấn đề cấp thiết đang đặt ra hiện nay như cơ sở pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, các khía cạnh pháp lý về hội nhập quốc tế, việc thực hiện các cam kết quốc tế, đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; nâng cao vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, việc thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam nhằm bắt nhịp với xu hướng phát triển của các Hội Luật quốc tế của nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Qua đó góp phần nâng cao vị thế, pháp lý của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế đóng góp tích cực cho sự phát triển của khoa học pháp lý quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước trong tình hình mới.

V. Thắng