Dấu ấn một nhân cách
Ngày 15/9, tại TP Hồ Chí Minh, hội thảo về nhà cách mạng, nhà giáo, nhà khoa học Trần Văn Giàu, nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của ông - một lần nữa người ta lại nghe những lời xúc động nhất, trân trọng nhất dành cho ông; một con người như một huyền thoại giữa đời thường.
GS Trần Văn Giàu với các cháu thiếu nhi TP Hồ Chí Minh.
Bản lĩnh của một trí tuệ mẫn tiệp
Nói như ông Lê Thanh Hải- nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM thì trong số những người con xuất sắc của vùng đất Nam Bộ, Trần Văn Giàu là một tấm gương tận trung với Đảng, tận hiếu với Dân, đức độ, tài năng, cùng những cống hiến và cuộc đời thăng trầm của mình đã để lại những dấu ấn không thể phai nhạt trong lòng đồng bào cả nước, đồng bào Nam Bộ.
Cuộc đời ông gắn liền với những thăng trầm của đất nước. 15 tuổi, cậu bé làng An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An đã tham gia phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh. Sau này, ông kể lại, lúc bấy giờ trái tim non trẻ của ông luôn bồi hồi vì câu nói của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh: “Cần rời khỏi nhà mình, đi xa, đi thật xa để tìm một lý tưởng mà phấn đấu”.
Và, như định mệnh, cuộc đời ông luôn là những chuyến đi: ra nước ngoài, đi khắp trong Nam ngoài Bắc của đất nước mình; bị địch cầm tù cả ở nước ngoài và cả ở trong nước; nhưng chí nguyện của ông không bao giờ đổi thay: vì nhân dân mình, vì đất nước mình.
Từ một người yêu nước, Trần Văn Giàu đã trở thành một chiến sỹ cộng sản. Vào Đảng Cộng sản Pháp từ năm 1929, rồi là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương; lặn lội gây dựng phong trào tại Nam Bộ trong lúc thực dân Pháp thực hiện chính sách “khủng bố trắng”- ông trở thành Bí thư Xứ ủy Nam kỳ trong những năm tháng đấu tranh đen tối nhất.
Ông cũng 2 lần đến Macau (Trung Quốc) vào tháng 12/1934 và tháng 2/1935 tham gia công tác chuẩn bị và dự Đại hội lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương. 7 năm trời, người cộng sản Trần Văn Giàu trải qua các nhà tù khét tiếng của thực dân, chịu mọi cực hình tra tấn; nhưng thật kỳ lạ là ông đã biến nhà tù thành trường học cộng sản.
Một điểm mốc rất quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp của Trần Văn Giàu chính là thời điểm tháng 8/1945, khi ông là linh hồn của cuộc tổng khởi nghĩa tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và các tỉnh Nam Bộ.
Trong những bước ngoạt của lịch sử, của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Trần Văn Giàu tỏ rõ bản lĩnh, sự quyết đoán, tầm nhìn xa trông rộng của một trí tuệ mẫn tiệp. Đầu những năm 1940, khi tổ chức Đảng trong Nam mất liên lạc với Trung ương, nhưng ông nghĩ phải tự vạch đường mà đi, không thể dậm chân tại chỗ. Đến đầu năm 1945, chính ông là người xây dựng thành công lực lượng Thanh niên tiền phong để chuẩn bị cướp chính quyền.
Khi trở thành Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ, ông lại đưa ra một quyết định vô cùng quan trọng: phát đi lời kêu gọi mở màn cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi chúng quay lại chiếm đất nước ta một lần nữa. “Nam Bộ đi trước về sau” trong cuộc kháng chiến 9 năm đã bắt đầu từ lời kêu gọi ấy.
Nặng nghĩa trọn tình
Sau này, khi tuổi đã cao, ông trở về TP Hồ Chí Minh sinh sống cùng người bạn đời thủy chung- bà Sáu Đỗ Thị Đạo, người suốt đời hy sinh cho ông. Tuổi cao, năm 1997, bà bị ngã nứt rạn xương hông phải nằm một chỗ. Hằng ngày, cứ đến bữa ông lại tự tay mang cơm đến bên giường ăn cùng bà.
Trước khi vĩnh viễn ra đi, bà Sáu từng nói với người cháu: “Nếu ông trời bắt, thì bắt ông đi trước, vì còn có người trông nom, săn sóc cho ông. Không may cô đi trước, lấy ai nuôi dưỡng ông đây”. Nghe bà nói, không ai cầm được nước mắt. Năm 2005, bà Sáu trút hơi thở cuối cùng. Ông bà không có con, chỉ có một người con nuôi - TS Đinh Xuân Thu. Ngày bà mất, ông ngồi im bất động bên bà, nước mắt lăn dài trên má.
Cả cuộc đời hiến dâng cho nhân dân, cho đất nước, ông không giữ lại gì cho riêng mình. Năm 2001, ông quyết định bán căn nhà của mình để hiến tặng 1.000 cây vàng cho Hội khoa học Lịch sử Việt Nam dùng làm quỹ giải thưởng cho những công trình sử học nghiên cứu về Nam Bộ.
Bà Đỗ Nguyệt Hương, TS Sử học, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ Bà Rịa-Vũng Tàu- cháu ruột của bà Sáu kể, lúc ra Bắc, vợ chồng GS Trần Văn Giàu được Nhà nước cấp một căn hộ trong ngôi nhà số 20 Phan Huy Chú (Hà Nội). Khi dạy Sử ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ông bà cũng như mọi người sống dựa vào tiêu chuẩn tem phiếu, nhưng vẫn là chỗ để học sinh miền Nam qua lại.
Những lúc đó, bà Sáu lại nấu những món ăn Nam Bộ cho “lũ nhỏ xa nhà” ăn. Tình cảm đó cũng trở lại khi một chiều 30 Tết, ông bà gọi những người vốn là học trò của ông vào ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh thỉnh giảng về nhà ông bà ăn Tết, cho vơi nỗi nhớ nhà...
TS Đinh Thu Xuân - con gái nuôi của ông bà kể lại, mùa đông năm 1946, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ Trần Văn Giàu được Trung ương mời ra Bắc. Trong điều kiện thiếu thốn của chiến khu Chi Nê (Hòa Bình), ông bị sốt rét ác tính.
Cha chị Xuân đã chữa bệnh cho ông bằng phương thuốc gia truyền của người Mường. Năm 1994, hay tin cha chị ốm nặng, ông đã đưa cho chị một cặp sâm Triều Tiên và nói: “Đây là quà của Chủ tịch Kim Nhật Thành tặng, con mang về quê để bồi bổ sức khỏe cho cha”.
Nhận được quà, cha chị Thu ứa nước mắt, dặn: “Từ giờ trở đi, con phải coi ông bà giáo sư như cha mẹ của mình, phải chăm sóc ông bà chu đáo, vì ông bà có hai người con đều mất từ khi còn nhỏ. Hồi ở chiến khu cha rất xót xa khi nghe ông nói: “Phải chi Giàu có một đứa con”.
Là người danh giá, nhưng ông không có của cải gì đáng kể. Khi đất nước thống nhất, ông bà chuyển về TP.HCM sống trong căn nhà do Thành ủy cấp. TS Đỗ Nguyệt Hương kể, ngày 14/5/1983, bà đang công tác tại Vũng Tàu thì nhận được thư của ông, trong thư có đoạn: “Cô, dượng rất muốn đi Vũng Tàu thăm các cháu nhưng không có xăng đổ ôtô (mượn xe), thôi đành nghỉ mát ở nhà vậy!”.
Ông không để lại của cải, nhưng đã để lại một gia tài đồ sộ là các công trình nghiên cứu khoa học lịch sử, trong đó có cuốn “Tổng tập Trần Văn Giàu”, 1.780 trang (tập 1), xuất bản năm 2006. Công trình khoa học “Giai cấp công nhân Việt Nam”, do NXB Sự thật xuất bản lần đầu năm 1958, với lời giới thiệu viết tay của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. GS Trần Văn Giàu đã viết công trình này này trên ổ rơm của một gia đình nông dân Sơn Tây, trong cái rét căm căm nơi đất Bắc.
Con gái nuôi của ông bà- TS Đinh Xuân Thu thường nói về ông là người nhân từ, độ lượng, mẫu mực, liêm khiết, giản dị, hết mực yêu thương gia đình và rất hóm hỉnh. Ông dặn người con nuôi, hãy tham gia và góp sức mình vào hết thảy những việc gì đem lại ích nước lợi nhà.
“Là người kiệm lời nhưng nhiều nghĩa, nên những chuyện riêng của gia đình hay của cá nhân, cha tôi ít khi bộc bạch. Có lẽ đó là bài học làm người đầu tiên mà cha dạy tôi”- TS Đinh Xuân Thu nhớ về ông và kể rằng khi bệnh nặng, điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất, ông kiên cường chịu đựng, không để lộ nỗi đau. “Tôi áp tay cha vào má và hôn lên bàn tay gầy guộc, mờ hết vân tay vì cả một đời cầm bút cho đến khi không thể cầm được nữa”.
Nhân cách Trần Văn Giàu
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu từng nhận định, chưa có ai thay thế được GS Trần Văn Giàu: nhà cách mạng tiêu biểu, nhà tư tưởng hàng đầu, nhà khoa học lớn, nhà giáo có nhiều học trò thành đạt trên nhiều lĩnh vực.
Còn GS Hoàng Như Mai kể rằng, ông vẫn còn nhớ cảm giác rùng mình khi làm việc dưới “vòng cương tỏa” của GS Trần Văn Giàu bởi GS là một trưởng khoa cực kỳ nghiêm khắc ở Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.
Tại đây, ông rèn cho cán bộ cách làm việc khoa học nghiêm túc, không ngừng nghỉ bằng những lời nhắc nhở cụ thể, bằng chiếc đồng hồ đặt trên bàn- đó là phong cách làm việc của GS Trần Văn Giàu.
Với những tác phẩm nghiên cứu của mình, GS Trần Văn Giàu tự mình viết từng chữ, từng trang. Như cách nói của GS Hoàng Như Mai thì đó là “những trang sử nhỏ từng giọt mồ hôi và cả máu của những năm tháng đầy biến động đau thương của dân tộc”.
GS Trần Văn Giàu rất coi trọng lịch sử, đó cũng chính là tình yêu tha thiết đối với nhân dân mình, đất nước mình. Sinh thời, ông từng nói: “Một xã hội thiếu hiểu biết lịch sử của dân tộc mình là dấu hiệu của sự sa đọa”.
Trong tham luận tại Hội thảo kỷ niệm 105 ngày sinh GS Trần Văn Giàu, GS Tạ Ngọc Tấn viết: “Nếu trong hoạt động cách mạng ta thấy Trần Văn Giàu luôn là người quyết liệt, thẳng thắn, năng động, sẵn sàng đương đầu với những hiểm nguy, kể cả cái chết, thì trong khoa học người ta lại thấy một Trần Văn Giàu làm việc thật công phu, điềm đạm, cẩn trọng, khiêm nhường, tôn trọng chứng cứ lịch sử (...) Trần Văn Giàu qua một cuộc đời thật phong phú, nhiều thử thách gian nan, gập ghềnh và cả những niềm đau nhân thế. Chính điều đó cho phép ông trải nghiệm và thể hiện đầy đủ tài năng đa dạng, sự cống hiến phong phú, một nhân cách lớn rất đáng khâm phục và trân trọng”.
Với PGS.TS Phan Xuân Biên, thì Trần Văn Giàu là thầy của nhiều thế hệ học trò và nhà giáo Việt Nam . “Do “dòng đời xô đẩy” chỉ sau 1 thập niên chính thức dạy học, ông đã để lại hình ảnh một nhà giáo nhân dân mẫu mực, uyên thâm, tận tụy”.
GS Trần Văn Giàu cũng để lại một thông điệp đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là sứ mạng trách nhiệm của khoa học xã hội nói chung Sử học nói riêng trước nhân dân, trước dân tộc phải khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật lịch sử, kiên quyết bảo vệ chân lý lịch sử.
Ấy là nhân cách Trần văn Giàu!
GS Hoàng Như Mai kể rằng, ông vẫn còn nhớ cảm giác “rùng mình” khi làm việc dưới “vòng cương tỏa” của GS Trần Văn Giàu bởi GS là một trưởng khoa cực kỳ nghiêm khắc ở Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Tại đây, ông rèn cho cán bộ cách làm việc khoa học nghiêm túc, không ngừng nghỉ. Với những tác phẩm nghiên cứu, ông tự mình viết từng chữ, từng trang, đó là “những trang sử nhỏ từng giọt mồ hôi và cả máu của những năm tháng đầy biến động đau thương của dân tộc”.