Sống trong tâm điểm dịch bệnh
Trong khi các nước trong khu vực Đông Nam Á đang đau đầu tìm cách đối phó với sự trỗi dậy của virus Zika, thì vùng ngoại ô Karkardooma của thủ đô New Delhi (Ấn Độ) đã trở thành vùng tâm dịch bệnh chikunguya, một chứng bệnh giống sốt xuất huyết lây truyền qua muỗi.
Người dân thay vì đến các bệnh viện công, lại tìm tới các phòng khám tư để trị bệnh (Nguồn: BBC).
Bên ngoài một cơ sở y tế tư nhân, rất nhiều người dân đứng xếp hàng dài để chờ được khám sau khi họ phát hiện ra nhiều triệu chứng trên cơ thể: Đau khớp nặng, buồn nôn, đau đầu và bị sốt- tất cả đều là triệu chứng bị sốt chikungunya.
“Lúc đầu tôi đến một bệnh viện địa phương và được cho uống paracetamol, nhưng nó chả có tác dụng gì cả”- bà Leela Vati, 65 tuổi, một người dân đang chờ lấy thêm thuốc giảm đau từ phòng khám tư của vị bác sỹ nọ nói với BBC.
Nằm ở khu vực mà dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Đông bắc của thủ đô, Karkardooma hiện là tâm điểm của đợt bùng phát dịch sốt chikungunya. Đã có hơn 1.000 trường hợp nhiễm đã được phát hiện trên khắp thành phố này.
Giới truyền thông cho biết đã có 11 người chết vì căn bệnh này, dù chưa được xác nhận chính thức. Trên toàn Ấn Độ, có trên 12.250 trường hợp nhiễm được báo cáo từ cuối tháng 8 vừa qua.
Nếu tính riêng ở Karkardooma, khoảng 1/3 dân số của thành phố 7.000 dân này đã xuất hiện các triệu chứng bệnh. Trong khi đó, bệnh viện Hedgewar Aarogya Sansthan cho hay hàng ngày họ phải tiếp nhận từ 800-1.000 người bị sốt, với khoảng từ 18-20 trường hợp được xác định nhiễm bệnh.
Một trong những nhân tố khiến nơi đẩy trở thành trung tâm của dịch bệnh là do cấu trúc các khu dân cư nằm sát nhau, các con hẻm chật hẹp cùng các rãnh nước lộ thiên bẩn thỉu- môi trường lý tưởng để loài muỗi truyền bệnh sinh sôi.
Ngoài ra, dịch bệnh xảy ra vào đúng mùa mưa ở Delhi, khiến nhiều khu vực bị lụt lội, tạo nên nhiều vùng nước lớn, tăng khả năng lây lan của chikungunya, chứng bệnh khá giống với sốt xuất huyết và bệnh sốt vàng.
Ấn Độ hiện chỉ sẵn có loại vaccine chống lại bệnh sốt vàng, nhưng lại chưa có vaccine phòng chống sốt xuất huyết và sốt chikungunya. Thời gian qua, chính phủ nước này cũng tạm ngừng chiến dịch phun khói trừ muỗi ở Karkardooma.
“Lần lượt từng gia đình một, từng khu dân cư, từng người ở đây đều bị nhiễm bệnh”- người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm các vấn đề xã hội ở Karkardooma, ông Bhanwar Singh Janwar, nói.
Bệnh dịch lan tràn quá nhanh đến nỗi người dân không kịp phản ứng, và đến giờ rất ít người con khỏe mạnh để có thể vận hành các cửa hiệu trong khu vực. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người dân tại đây.
Ở Ấn Độ, dịch bệnh sốt xuất huyết- có các triệu chứng tương tự sốt chikunguya thường tăng đột biến vào mùa mưa, trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, còn dịch sốt chikunguya thì hiếm gặp hơn.
Chính quyền thành phố Karkardooma tuyên bố rằng các bệnh viện của họ hoàn toàn được trang bị đủ khả năng để chữa được cả sốt xuất huyết, sốt vàng và chikungunya; và quá trình điều trị hoàn toàn miễn phí.
Thế nhưng, thực tế đáng buồn là phần lớn người dân đều không tìm đến các cơ sở này mà tới các phòng khám tư nhân để điều trị. “Khi bác sỹ ở bệnh viện công gặp quá nhiều áp lực phải trị bệnh cho đông người, ai dám tin vào họ nữa?”- bà Vati nói. “Điều này cũng giống như ở các bệnh viện tư nhân”.