Đua bò ở Bảy Núi: Nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer An Giang
Hàng năm cứ vào ngày 18/9, tại chùa Rô, ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang lại diễn ra lễ hội đua bò, một nét độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer, mang đậm bản sắc bản sắc văn hóa dân gian và từ lâu trở thành môn thể thao ở vùng Bảy Núi.
Đua bò ở Bảy Núi.
Lễ hội đua bò của đồng bào Khmer An Giang diễn ra từ vòng loại xã đến vòng loại huyện. Lê hội đua bò lúc đầu do bà con tự tổ chức vào những ngày mùa để cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, sau này được nâng lên thành lễ hội. Dân làng chọn ra những con bò dẻo dai, khỏe mạnh để phục vụ lễ hội đua bò.
Đại đức Chau Sóc Khonl, Trụ trì chùa Rô, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đua bò xã cho biết: “Giải đấu năm nay, tại chùa có 37 đôi bò tham dự. Năm nay, các đội thi đấu chuẩn bị kỹ lưỡng, vì giải thưởng cao hơn năm ngoái. Do vậy, lượng khách đến tham quan, theo dõi cũng tăng hơn. Đội về nhất sẽ nhận được chiếc tivi 32 inch kèm theo tiền thưởng 1 triệu đồng; đội về nhì được tivi 21 inch và 500 ngàn đồng; đội đạt giải 3 nhận được đầu đĩa và micro cùng 300 ngàn đồng. Ngoài ra còn 4 giải khuyến khích. Tiền thưởng thì chỉ gọi là tượng trưng thôi nhưng chủ yếu là danh dự. Các đôi bò đua 2 vòng hô và vòng thả.”
Tham dự lễ hội có đến hàng ngàn người từ khắp nơi đến xem và cỗ vũ. Ngoài ra còn có nhiều nhà nhiếp ảnh đến đây để săn ảnh đẹp và thư giãn cuối tuần.
Các đôi bò dự thi phải đua trên sân đất hình chữ nhật với chiều dài khoảng 160m, rộng khoảng 60m, góc sân có dạng hình tròn, đường đua rộng 8m. Các đôi bò đua kéo theo bừa trên đó có người điều khiển gọi là tài xế bò hoặc còn gọi là nài.
Trước khi cuộc đua chính thức bắt đầu, các đôi bò diễu hành qua sân đấu ra mắt khán giả. Ở vòng hô, nhịp đấu khá thong thả, chủ yếu để đôi bò làm quen với sân đấu và thử tài khéo léo của người điều khiển.
Với những nài bò có kinh nghiệm, trong vòng hô, họ có thể điều khiển bò của mình uy hiếp bò của đối thủ khiến chúng hoảng sợ chạy ra khỏi đường đua xem như chiến thắng, mà không cần tốn sức.
Khi đến vòng thả là thời điểm nước rút, những nài bò lúc này như dũng sĩ, một chân đứng trên giàn bừa, chân kia đứng trên thanh gỗ nối với giàn bừa, tay cầm chắc cương điều khiển tốc độ, tay vung cây xà-lul liên tục chọc vào mông bò cho bò đau để đôi bò tăng tốc, tiến về đích trong tiếng hò reo, vỗ tay của người xem. Lúc này không khí sân đấu trở nên sôi động hẳn lên.
Để tạo nên chiến thắng trong các cuộc đua bò đòi hỏi tài xế phải có sức khỏe tốt, biết khôn khéo trong việc xử lý tình huống khó cũng như vượt mặt đối thủ. Trong lúc đua, người điều khiển lỡ rớt chân hoặc té xuống đất sẽ bị loại ngay.
Ở vòng thả nếu đôi bò giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước thì đôi bò sau sẽ thắng cuộc mặc dù chưa tới đích. Việc để bò của mình giẫm vào giàn bừa phía trước cũng là một quyết định táo bạo của người điều khiển vì sẽ rất dễ xảy ra tai nạn nếu chân của chúng bị kẹt vào giàn bừa. Ngoài ra, nếu cặp bò dở chứng phóng ra khỏi đường biên, dân đua cũng bị xử thua.
Theo kế hoạch, vào ngày 24/9 giải đua bò vòng huyện Tri Tôn sẽ được tổ chức tại sân chùa Tà Miệt (xã Lương Phi). Sau đợt tuyển chọn vòng huyện, 40 đôi bò giỏi nhất sẽ tham gia tranh tài Hội đua bò Bảy Núi lần 24, dự kiến diễn ra tại chùa Thom Mít (xã Vĩnh Trung) vào ngày 30/9 sắp tới.