Câu chuyện thịt bò ở Ấn Độ
Ở một quốc gia mà bò là một loài động vật biểu tượng thiêng liêng theo tín ngưỡng, thì việc ăn thịt loài vật này được coi là điều cấm kỵ nhất. Câu chuyện về con bò và thịt của nó, tuy nhiên đã gây ra không ít câu chuyện tranh cãi ở Ấn Độ trong thời gian gần đây.
Bò là loài vật linh thiêng ở Ấn Độ, nhưng nhiều cộng đồng người ở nước này vẫn sử dụng thịt bò như món ăn chính. (Nguồn: Telegraph).
Khi lực lượng cảnh sát ở miền Bắc Ấn Độ mới đây bắt đầu kiểm tra món cơm chiên thịt cừu nổi tiếng ở vùng này để xem nó có chứa thiệt bò hay không, nhiều nhà phê bình đã cho rằng đó là một hành động “phát xít đối với thực phẩm”.
Sự việc xảy ra tại một loạt các ngôi làng xa xôi thuộc bang Haryana, nơi có cộng đồng người Hồi giáo chiếm phần đông ở Ấn Độ, được quản lý bởi đảng cầm quyền Bharatiya Janata (BJP). BJP đã ban hành một số bộ luật được coi là khắc nghiệt nhất đối với hành động sát hại loài bò, thành lập một lực lượng cảnh sát đặc biệt để bảo vệ bò, cùng một ủy ban có tên “Ủy ban dịch vụ về bò” và nhiều thứ khác…
Kể từ đó, đội ngũ tình nguyện viên và cơ quan chức năng liên tục theo dõi các ngôi làng ở Haryana để xem xem ai có giết hại hoặc vận chuyển bò hay không. Các hội đồng làng xã cũng ra sức vận động người Hồi giáo tại đây không bán một món ăn nổi tiếng - cơm chiên thịt cừu (Biryani) - mà họ nghi có sử dụng cả thịt bò.
Hồi tuần trước, các mẫu lấy từ món ăn này đã được lực lượng cảnh sát địa phương thu để xét nghiệm sau khi một số người báo cáo có thịt bò trong món ăn này. Do tạm thời bị cấm bán, các chủ cửa hàng bán món ăn này đã phàn nàn rằng họ đã bị mất đi công ăn việc làm chả vì lý do gì cả.
Được biết cộng đồng người Hindu chiếm phần đông ở Ấn Độ coi bò là loài động vật linh thiêng, nhưng rất nhiều người dân Ấn Độ vẫn dùng thịt bò làm thực phẩm. Theo dữ liệu của chính phủ nước này, khoảng 80 triệu người dân nước họ - tức 1/13 dân số - ăn thịt bò hoặc thịt trâu. Đa phần trong số này là người Hồi giáo, nhưng vẫn có khoảng hơn 12 triệu người Hindu cũng ăn loại thịt này.
Ngoài ra, bò cũng là con vật mang tính chính trị sâu sắc nhất ở Ấn Độ. Nhà sử học DN Jah của nước này cho hay, nó “ngày càng mang tính chính trị nhiều hơn dưới thời chính phủ của đảng BJP cầm quyền, và ở một số bang vốn bị ám ảnh bởi các lệnh cấm giết hại và ăn thịt bò”.
Nhưng ngày nay, lệnh cấm thịt bò ngày càng bị chỉ trích nhiều hơn bởi thịt bò ở Ấn Độ có giá rẻ hơn cả thịt gà và cá, và là món thịt chủ yếu của cộng đồng người Hồi giáo nghèo, các bộ lạc và cộng đồng người Dalit ở nước này.
Ấn Độ cũng có một chiều dài lịch sử xung đột tôn giáo chỉ vì thịt bò - mà trong đó người Hồi giáo và người Dalit bị chỉ trích nhiều nhất vì sử dụng loại thịt này. Đối với họ, việc lựa chọn thứ thực phẩm phù hợp đôi lúc lại bị coi là hành vi phạm pháp.
Các lệnh cấm sử dụng thịt của loài vật linh thiêng cùng việc nghi ngờ món ăn truyền thống của người Hồi giáo ở Haryana đang mang lại những phản ứng tiêu cực. “Giờ thì các địa điểm bán thực phẩm cũng bị “săm soi”. Đó là một hình thức bắt nạt mới”, Amita Baviskar, một giáo sư chuyên ngành xã hội học, nói.
Điều này cũng cho thấy sự xáo trộn tập tục ăn uống của các cộng đồng khác nhau ở Ấn Độ. Một ví dụ điển hình là, 20 bộ lạc thiểu số ở khu vực bang Assam của nước này đều có các món ăn truyền thống đặc trưng. Chính đặc điểm này đã khiến chính quyền Ấn Độ gặp không ít khó khăn trong việc cấm ăn thịt bò.
“Chúng ta cần nhớ rằng không có cộng đồng nào có nền văn hóa ẩm thực liền khối cả, như việc không phải tất cả người Hindu đều chỉ ăn rau quả, hay người Hồi giáo và Công giáo chỉ ăn thịt” - Nabanipa Bhattacharjee, Giáo sư dạy môn xã hội học tại ĐH Delhi, nói.
Văn hóa ẩm thực ở Ấn Độ đang ngày càng thay đổi nhanh chóng, và nó diễn ra ở nhiều cộng đồng người. Tuy nhiên xu thế này lại khiến nhiều người khó chịu.
Năm 2012, trưởng làng Haryana đã thành lập một hội đồng để sau đó buộc tội món mỳ đã làm…tăng các vụ hiếp dâm trong vùng, cho rằng món ăn này dẫn tới tình trạng mất cân bằng hormone trong cơ thể. Đã có rất nhiều sự việc dở khóc dở cười như vậy đã diễn ra trong ngôi làng này và các vùng lân cận.
Tuy nhiên, các lệnh cám như vậy, cũng như lệnh tạm ngừng món cơm chiên thịt cừu nổi tiếng của người Hồi giáo khó có thể là một biện pháp hữu hiệu, không những không cấm được mà còn khiến món ăn này trở thành một chuỗi thực phẩm trên thị trường chợ đen. Điều này đã từng có tiền lệ ở bang Gujarat, khi lệnh cấm rượu chỉ khiến món đồ uống này càng thịnh hành hơn trên thị trường chợ đen.