Trung cấp Y, Dược: Khó tuyển sinh
Theo chia sẻ của một số lãnh đạo các trường Trung cấp (TC) Y, Dược, năm nay việc tuyển sinh của các trường rất khó khăn, đến thời điểm hiện nay, có những ngành không tuyển được thí sinh nào.
Ảnh minh họa.
Tình trạng trên xảy ra, theo lãnh đạo các trường TC Y, Dược là hệ quả tất yếu của Thông tư 26 liên Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, ban hành cuối năm 2015.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 26 ngày 7/10/2015 về quy định mã số, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp Điều dưỡng, Hộ sinh và Kỹ thuật y, “từ ngày 1/1/2021 trở đi, viên chức tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp Điều dưỡng hạng IV phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng chuyên ngành Điều dưỡng; tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp Hộ sinh hạng IV phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng chuyên ngành Hộ sinh; tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp Kỹ thuật y hạng IV phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng chuyên ngành Kỹ thuật y”.
Do đó từ năm 2018, các trường sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo, từ năm 2021 sẽ ngưng tuyển dụng hệ TC Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật y học, và từ năm 2025 sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ TC trong toàn ngành Y tế.
Trước Thông tư này, lãnh đạo các trường TC Y, Dược khẳng định: Việc nâng cao trình độ nguồn nhân lực ngành y tế bắt đầu từ 2021 là tín hiệu tốt góp phần nâng cao chất lượng ngành y tế.
Tuy nhiên cần có lộ trình hợp lý, đảm bảo sự đồng bộ giữa khâu tuyển dụng, sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực. Bởi mới ra Thông tư cuối năm ngoái thôi, mà ngay trong năm nay đã ảnh hưởng rất nặng nề, khiến nhiều trường đứng trước nguy cơ giải thể.
Thứ nhất, Thông tư tác động trực tiếp đến tâm lý hàng nghìn sinh viên đang theo học và những người đã tốt nghiệp ngành này chưa có việc làm.
Thứ hai, mặc dù những quy định trong Thông tư chưa đến thời gian thực hiện, nhưng ngay trong mùa tuyển sinh năm nay các trường TC Y, Dược đã vô cùng khó khăn trong công tác tuyển sinh. Đó là còn chưa nói đến việc có phù hợp với tình hình thực tế hay không...
Ông Phạm Văn Minh-Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trường TC Y-Dược Tuệ Tĩnh chia sẻ: Thông tư 26 khiến một loạt trường TC Y Dược trên cả nước đứng trước nguy cơ đóng cửa. Nhận thấy sự cấp bách từ những quy định của Thông tư, ban lãnh đạo trường đã ngay lập tức tổ chức một cuộc họp gồm 10 trường để ra một bản kiến nghị lên 10 cấp trung ương có thẩm quyền đề nghị bàn lại về vấn đề này.
Các trường TC Y Dược nói chung nếu không được giúp đỡ thì nguy cơ phải giải thể là rất lớn. Bởi không tuyển sinh được thì các trường sống bằng gì? Chúng tôi là trường có truyền thống 25 năm mà đến nay đang rất khó khăn vì toàn bộ mảng trung cấp y, dược, y sĩ đa khoa, y học cổ truyền không tuyển sinh được.
Cứ có từ “trung cấp” là thí sinh, gia đình hoang mang vì đến năm 2021 không đưa mảng này vào làm việc trong các cơ sở y tế nữa. Ngành tưởng sẽ dễ tuyển, nhiều thí sinh sẽ đăng ký học là y sĩ y học cổ truyền thì cũng chỉ vì từ trung cấp mà năm nay vắng bóng hẳn thí sinh.
Ông Minh cho biết: Chúng tôi đã có một biên bản gồm 11 trường ký, gửi lên các cấp, trong đó có Chính phủ, Quốc hội nói đến bức xúc của các trường TC chuyên nghiệp.
Lãnh đạo các trường TC Y, Dược cũng cho biết rằng: Hiện đã có nhiều trường đã phải cắt giảm biên chế…
Tương tự, ông Đặng Văn Sáng- Chủ tịch kiêm Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa TP.HCM tỏ rõ sự bức xúc trước quyết định của liên Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Ông nói rằng: Các trường hưởng ứng lời kêu gọi xã hội hoá giáo dục đào tạo và nguyện vọng của toàn dân, đầu tư tâm huyết, dốc hết tài sản gia đình để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu chung nguồn nhân lực lao động. Thế nhưng khi đã đầu tư rồi thì lại gặp trở ngại từ chính sách.
Ông Sáng kiến nghị: Thông tư 26 liên Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, đã có rất nhiều cơ sở có kiến nghị nhưng chưa có phúc đáp cũng như văn bản giải quyết, đề nghị sớm có trả lời và có hướng gỡ khó cho các trường? Bên cạnh đó, một loạt trường cao đẳng và TC ngoài công lập ra đời theo cơ chế của Đảng, Nhà nước giờ có chính sách thay đổi đã ảnh hưởng lớn đến đầu tư nên đề nghị nhà nước có biện pháp chính sách hỗ trợ?