Cận cảnh mỹ thuật qua 3 thập kỷ
Như ĐĐK đã đưa tin, triển lãm “Mở cửa-Mỹ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới” sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 21 đến 28/9. Trước giờ khai mạc, các họa sĩ tham gia triển lãm đã có những chia sẻ, đánh giá về đời sống mỹ thuật trong 3 thập kỷ qua; đồng thời có cái nhìn toàn diện về tâm thế sáng tác, những thay đổi của từng nghệ sĩ trong giai đoạn đổi mới.
Tác phẩm “Chinh phu”-Thái Nhật Minh, tác giả trẻ tuổi nhất tham gia Triển lãm “Mở cửa - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới”.
Những thay đổi đột phá
Giai đoạn đổi mới (1986-2016) đã đánh dấu sự thay đổi đột phá của mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là những tác động rất lớn với nhiều thế hệ họa sĩ. Trong đó, với nhiều họa sĩ gạo cội đây còn được xem là sự chuyển mình rất lớn trong tư tưởng, phong cách sáng tác.
Theo họa sĩ Thành Chương, trước đổi mới, nghệ thuật chủ yếu vẽ theo các đề tài và đề cao tập thể. Trong giai đoạn này, hầu hết các họa sĩ phải vẽ theo đề tài, ít được tìm tòi phong cách mới, phải minh họa cho các mục đích tuyên truyền, ngay ngắn nghiêm chỉnh về bố cục, màu sắc. Rất dễ lẫn lộn các tác phẩm của giai đoạn này với nhau.
Lúc này tuy đã có nhiều họa sĩ manh nha đổi mới, nhất là các họa sĩ lớn của thời điểm đó như bộ tứ “Nghiêm-Liên-Sáng-Phái”. Tuy nhiên, ở thời kỳ đổi mới đã khuấy động lên sự sáng tác mạnh mẽ, và khi thời gian gột rửa đi những rác rưởi thì vàng thau trở nên rõ ràng. “Trước đổi mới là thời kỳ của nhưng danh họa lừng lững, nhưng sau đổi mới đã sàng lọc làm nổi lên rất nhiều gương mặt, nhiều thể nghiệm, nhiều chất liệu trăm hoa đua sắc, đó là thành tựu rất lớn và không thể phủ nhận được của đổi mới. Quy luật tự nhiên của sự phát triển nghệ thuật chính là để người nghệ sĩ trở về với bản ngã của mình”- họa sĩ Thành Chương nhìn nhận.
Cùng quan điểm, họa sĩ Phạm Luận nhận định: “Tôi nghĩ đây một giai đoạn rất tích cực, vì việc bán được tranh tạo động lực vô cùng lớn cho họa sĩ. Nhưng rõ ràng sau những mới mẻ ban đầu thuận lợi, giai đoạn sau sẽ là giai đoạn sàng lọc, ai không thật sự nổi bật sẽ chìm xuống, cũng như một biểu đồ hình chop nón, càng lên cao càng thu hẹp lại”.
Theo họa sĩ Nguyễn Trung Tín sự đổi mới đã đến từ 3 yếu tố. Thứ nhất, các triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm độc lập. Thứ hai, sự thừa nhận các yếu tố mới và du nhập các hình thức mới của nghệ thuật. Thứ ba, quan trọng nhất là sự thành lập các hội, nhóm.
Đồng hành với sự đổi mới, mỹ thuật Việt Nam cũng ghi nhận những bước tiến mới của giới họa sĩ nước nhà. Họa sĩ Hồ Hữu Thủ chia sẻ, năm 1992 ông là họa sĩ đầu tiên ra nước ngoài để triển lãm cá nhân (Singapore).
Cũng theo họa sĩ Hữu Thủ ở thời điểm đó ông đã tham gia Ban chấp hành của Hội Mỹ thuật TP.HCM và tham gia đi chấm nhiều giải ở khu vực và toàn quốc. Theo đánh giá của ông, giai đoạn này nhiều họa sĩ đã bộc lộ được cá tính của mình, bên cạnh một số họa sĩ trẻ chưa định hình được phong cách riêng.
Trăn trở về thế hệ kế cận
Không chỉ với các họa sĩ gạo cội, mỹ thuật thời kỳ đổi mới cũng ghi nhận sự trưởng thành của lứa họa sĩ kế cận với những đột phá, tiếp thu những tiến bộ của thời đại. Trong đó, điều mà triển lãm “Mở cửa” -Mỹ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới” đó sự tham gia của một lực lượng khá đông đảo các họa sĩ thuộc thế hệ 7X, 8X. Tuy nhiên với nhiều lớp họa sĩ thành danh thì bên cạnh những thành công ban đầu, thế hệ các họa sĩ kế cận cũng đang lộ rõ nhiều yếu điểm.
Theo họa sĩ Hà Trí Hiếu, mỹ thuật thời kỳ đổi mới đó có thể coi là được mùa của mỹ thuật. Những người như Nguyễn Bảo Toàn có thể được coi là tiên phong trong lĩnh vực sắp đặt, tiếp nối là Trần Lương, Trương Tân… và tiếp nối đến tận bây giờ chúng ta đã có rất nhiều các tác phẩm hay. Từ năm 2000 trở lại đây xuất hiện 1 thế hệ họa sĩ mới về các loại hình đương đại, nhưng rất tiếc chúng ta vẫn chưa làm cho phát triển hơn được
Với họa sĩ Phạm Bình Chương thì thế hệ trẻ ngày nay cần nêu được những chuẩn mực trong sáng tác và phải xây dựng được một nền hội họa thật sự mạnh từ nội lực. Rất cần có những người làm quản lý nhưng phải có nghề, phải dấn thân, có uy tín và thật sự hiểu được tâm tư của giới nghệ sĩ ngày nay cũng như tất cả các vấn đề của đời sống mỹ thuật.
Đặc biệt với nhìn nhận của nhiều họa sĩ, ở thế hệ trước đa phần lao động nghệ thuật, vì đam mê chứ không vì tiền. Đó có lẽ là điều thế hệ trẻ ngày nay phần nào không bằng được, vẫn chạy theo cung cầu thị trường.
Hay như họa sĩ Hồ Hữu Thủ đánh giá: “Tôi cảm giác họ đang bị lung lay nền tảng vì những xu hướng của nghệ thuật thế giới. Với tôi nghệ thuật thế giới hiện nay đã mất đi cái nhân sinh quan. Ở thời điểm tôi còn trẻ, các nghệ sĩ có rất ít điều kiện giao lưu với thế giới. Sau này có nhiều lần tiếp xúc và ra nước ngoài, tôi thấy rằng tuy nhiều nước có nền công nghiệp phát triển hơn ta, nhưng về tư duy nghệ thuật thì chúng ta đều bình đẳng, và nghệ sĩ nào có được nhân sinh quan đúng đắn thì sẽ có những tác phẩm có giá trị. Đó là cái giới trẻ hiện nay đang thiếu”.