Đừng để thiên tai nặng nề thêm
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, PGS. TS Bùi Thị An-Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội cần lưu tâm đến vị trí địa lý nước ta phải hứng chịu nhiều thiên tai. Vùng nào có thể là chỗ nhiều bão lũ thì cần chú ý, đừng đổ lỗi do khách quan, vì sẽ dễ dẫn đến “nhân tai” bên cạnh thiên tai.
Bà Bùi Thị An.
PV:Bà nghĩ sao khi mỗi năm nước ta phải hứng chịu bình quân 10 cơn bão nhưng lại đang thiếu những công trình xứng tầm để ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại?
Bà Bùi Thị An: Chúng ta đã có các công trình mang tầm quốc gia nhưng chưa thực sự lớn. Ở các tỉnh ven biển đều đã có những đề tài, dự án xây kè quốc gia để chắn sóng, đê bao. Trong giai đoạn trước đây, khi làm quy hoạch ta chưa lưu tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu lại dồn dập trong năm vừa qua, ta đã có ứng phó nhưng chưa kịp thời. Cho nên tới đây trong quy hoạch tổng thể cần quan tâm đến tầm quan trọng của biến đổi khí hậu; thấy rõ thảm họa của nó để từ đấy mình lượng hóa, quy hoạch cho chuẩn hơn, giải pháp hiệu quả hơn. Làm sao để những sự cố đừng quá bất ngờ. Thiên tai giáng xuống bất ngờ, không ai có thể lường được nhưng cần hạn chế một cách tối đa hậu quả của nó.
Nói cho đến cùng khó có thể lường trước thiên tai, nhưng ta có thể lường trước theo dự báo, cơ sở khoa học như nước biển nóng lên, dòng đối lưu sẽ đi qua hướng này, và bão sẽ đi theo hướng này để ta có cách, đưa ra cấp độ phòng thiên tai cao hơn.
Tại sao các nước khác họ làm được như hạ mực nước biển của Hà Lan, hay hệ thống chắn sóng ở Nhật Bản vì điều kiện kinh tế của họ cao hơn. Hay nói cho cùng cái tầm trong quy hoạch của họ nhìn xa hơn. Nói tóm lại, phòng chống tốt sẽ hạn chế được hậu quả hơn là ta phải thích ứng, đối phó với nó.
Bà nhìn nhận thế nào khi các cơn bão tập trung ở miền Trung nhưng miền Trung lại có quá nhiều công trình thủy điện. Như vậy có hợp lý hay không trong quy hoạch thủy điện?
-Nước ta nằm ở vị trí hứng nhiều cơn bão và hậu quả của biến đổi khí hậu. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội phải lưu tâm đến vị trí địa lý nước ta phải hứng chịu nhiều thiên tai. Cho nên người làm quy hoạch cần có tầm nhìn xa. Vùng nào không thích hợp, có thể là chỗ hứng chịu nhiều thiên tai nhất thì cần chú ý, đừng để lỗi chủ quan của mình tạo thêm nguy cơ thiên tai.
Bây giờ trong quá trình khi lập quy hoạch tất cả các ngành cũng cần xem lại. Trách nhiệm với quy hoạch là trách nhiệm với đất nước, đừng để người dân bị tổn hại do thiên tai làm cho nước ta nghèo đi rất nhiều. Mỗi trận lũ lụt, bão quét làm cho mất lúa, hoa màu, dân không có nhà ở đó là tai họa. Không thể quy hoạch thủy điện tách rời quy hoạch xây dựng; quy hoạch xây dựng tách rời quy hoạch xử lý rác. Cho nên cần một “nhạc trưởng” là Chính phủ.
Sự cố Sông Bung 2 thêm lời cảnh báo về an toàn hồ, đập chưa nước (Ảnh: VTC News).
Từ sự cố thủy điện Sông Bung 2 mới đây đã đặt ra những vấn đề lo ngại về chất lượng công trình. Ý kiến của bà về vấn đề này?
-Chất lượng công trình không phải bây giờ mới được nói đến; không chỉ của Sông Bung 2 mà đây là vấn đề lớn. Cho nên Chính phủ cần vào cuộc rà soát. Bởi các công trình thủy điện gặp sự cố không chỉ có Sông Bung 2 mà trước đây cũng đã từng có sự cố ở những công trình khác. Cho nên chất lượng công trình là vấn đề được đặt ra. Chính phủ cần quản lý chặt, nếu thấy cái nào bất ổn thì phải kiểm soát, đề phòng cho dân. Chất lượng công trình cũng đã được báo động ở nhiều nơi, vì thế càng phải được coi trọng.
Tôi cho rằng từ những sự cố trên, Chính phủ cần vào cuộc rà soát để phát hiện sớm, đừng để mất mạng người, vì mất mạng người thì thay bằng cái gì được? Chất lượng công trình phải là ưu tiên hàng đầu. Nếu không đảm bảo các quy định trong Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công thì cuối cùng sẽ dẫn đến chất lượng công trình kém. Nhiều cử tri đặt ra câu hỏi, vì sao chất lượng công trình lại kém như thế? Do trình độ kỹ thuật thì nằm ở khâu nào? Đấu thầu hay giám sát thi công, thiết kế, vật liệu? Cần phải làm rõ. Vấn đề không thể đơn giản vì là mạng sống của dân.
Sắp tới Chính phủ sẽ trình ra Quốc hội Luật Quy hoạch, trong đó có đặt ra vấn đề quy hoạch tổng thể. Vậy theo bà cần xem xét quy hoạch tổng thể chung dựa trên những yếu tố nào?
-Phải đặt ra mấy vấn đề. Một là, quy hoạch mới thì đơn giản hơn, nhưng quy hoạch mới đặt trên nền quy hoạch cũ đang ngổn ngang thì chỉnh sửa thế nào? Điều đó đòi hỏi tầm của cán bộ các cấp. Như ta may một cái áo mới thì dễ hơn, nhưng từ cái áo cũ sửa lại thì phải tính chỉnh sửa ra sao để có được một cái áo đẹp.
Điều đó Luật Quy hoạch cần đạt được. Tôi cho rằng bây giờ cần lấy ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, người dân sau đó tổng kết lại bởi ngành nào cũng phải bắt đầu từ quy hoạch để đưa ra một quy hoạch có tính khả thi cao. Chỉnh sửa quy hoạch cũ thành quy hoạch mới nhưng làm sao thích hợp với sự phát triển của đất nước.
Khoa học - kỹ thuật ngày càng phát triển thì càng cần liên ngành. Ví dụ khoa học - công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp nhưng lại liên quan đến khoa học kinh tế, tức là tổ chức thị trường cho nông nghiệp thế nào để chuỗi giá trị nâng lên.
Nghĩa là liên kết được các ngành và đồng bộ với nhau, đứng lên trên để nhìn chứ không vì lợi ích cục bộ của từng ngành, từng bộ, từng địa phương. Đây như là một bức tranh, có khung rồi bây giờ lắp giao thông, hay thủy lợi, nông nghiệp vào cũng được thì đó mới đạt yêu cầu.
Rút kinh nghiệm vừa rồi vì không quy hoạch tổng thể cho nên tỉnh nào cũng muốn có sân bay, do đó cần quy hoạch tổng thể để đỡ lãng phí. Việc thực hiện quy hoạch cũng phải từng bước, có kiểm tra đánh giá để thực hiện tiếp. Nếu không sẽ lãng phí, như việc xây dựng nhà máy rồi nhưng do quy hoạch không chuẩn đành phải nằm đắp chiếu; chợ sinh ra không ai họp... Đó là thực tế không thể để tái diễn.
Trân trọng cảm ơn bà!