Dùng ngân sách phá nợ xấu: Khó khả thi
Những nỗ lực trong việc giải quyết nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) vẫn chưa có nhiều kết quả như mong đợi. Một hướng giải quyết khác được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất trong Dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 là dùng ngân sách phá nợ xấu. Tuy nhiên, giải pháp này cũng đang gây nhiều tranh luận.
Vẫn tiềm ẩn rủi ro
“Trong 465.000 tỉ đồng nợ xấu, hệ thống ngân hàng đã cơ bản xử lý 55%, 45% còn lại bán cho VAMC và các tổ chức khác, chứ không phải tất cả gom về VAMC và “nằm chết” ở đó. VAMC đã mua từ các ngân hàng khoảng 250.000 tỉ đồng nợ xấu và đến nay, trên sổ sách xử lý được khoảng 15%. Thế nhưng, việc xử lý nợ xấu của VAMC đang gây nhiều băn khoăn về việc có nên sử dụng tiền ngân sách hay không” – TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng. |
Nhiều câu hỏi đang xoay quanh hiến kế sử dụng ngân sách cứu nợ xấu: Ngân sách sẽ chi bao nhiêu, nguồn ở đâu, sử dụng như thế nào? Trong dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính được giao soạn thảo đề án nghiên cứu khả năng bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước để xử lý một phần nợ xấu, dự kiến trình Quốc hội thông qua.
Đánh giá về nợ xấu, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng cho rằng, nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Việc xử lý nợ xấu đã mua của VAMC còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Định hướng thời gian tới, tiếp tục cắt giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững và cắt giảm đáng kể số NHTM yếu kém. Sửa đổi đồng loạt các Luật và quy định liên quan để thúc đẩy xử lý nợ xấu, chỉ đạo VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường của các ngân hàng, xóa hoàn toàn nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Giải quyết nhanh và thực chất vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng, góp phần đưa lãi suất cho vay về mức 5%/năm.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính cho rằng, vấn đề không phải là nên hay không nên, mà là khả thi hay không khả thi. “Lúc đầu chúng tôi cũng đề nghị tìm kiếm nguồn ngân sách để xử lý nợ xấu. Nhưng khi thực tế là ngân sách nhà nước rất khó khăn, các khoản dự trữ cũng rất ít. Cho nên, lấy ngân sách xử lý nợ xấu là giải pháp thiếu thực tế ở Việt Nam”.
Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, là làm sao sử dụng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu một cách hiệu quả, minh bạch, công bằng. Theo TS. Hiếu, xử lý nợ xấu bằng ngân sách phải trên nguyên tắc công bằng, minh bạch thì mới được Quốc hội thông qua, dư luận đồng tình. Trước hết, để xử lý nợ xấu, Chính phủ cần phải làm rõ nợ xấu hiện nay nằm chủ yếu ở đối tượng nào, lĩnh vực nào, nguyên nhân ra sao. Từ đó có kế hoạch chi số tiền cho từng nhóm đối tượng cụ thể, tùy theo lĩnh vực ưu tiên.
Hiện nợ xấu lớn nhất nằm ở DNNN (có thể lên tới 60-70% tổng lượng nợ xấu), tiếp theo là nợ của khu vực lợi ích nhóm và của khối doanh nghiệp tư nhân.Trong nhóm này nên ưu tiên xử lý nợ cho các doanh nghiệp đang đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế và có khả năng phục hồi, dựa trên tiêu chí rõ ràng. Ưu tiên thứ hai là giải cứu nhóm nợ xấu có tài sản đảm bảo và các DN tư nhân có khả năng phục hồi.
Việc xử lý nợ xấu còn chậm trễ.
Gỡ khó trong xử lý nợ xấu
Trở lại với câu chuyện xử lý nợ xấu của VAMC, để giảm gánh nặng cho VAMC, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đang làm đầu mối xây dựng dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh hoạt động mua bán nợ, trong đó có dịch vụ sàn giao dịch nợ, áp dụng cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và công ty mua bán nợ của các ngân hàng (không áp dụng cho các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng và VAMC). Sàn giao dịch nợ là nơi tập trung, tiến hành thường xuyên các hoạt động giao dịch mua, bán nợ; tư vấn, môi giới mua, bán nợ.
Tập trung xử dứt điểm nợ xấu cũng là đề xuất của các chuyên gia và cũng là trọng điểm tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016-2020. Để làm được điều này, NHNN phải tiếp tục tập trung chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc xử lý nợ xấu, khuyến kích tư nhân và nước ngoài tham gia nhiều hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu...
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, định hướng điều hành của Chính phủ đối với vấn đề nợ xấu là trong thời gian tới tiếp tục tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém. Bên cạnh đó, thực hiện mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong xử lý nợ xấu và tập trung xây dựng Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.
Dùng tiền ngân sách phải minh bạch “Mấy năm nay, hệ thống ngân hàng tự xử lý nợ xấu, bán nợ cho VAMC nhưng chưa thực chất và chưa giải quyết triệt để nên “cục máu đông” này vẫn dai dẳng gây ảnh hưởng đến cả hệ thống ngân hàng, nền kinh tế và doanh nghiệp. Do đó, đề xuất dùng tiền ngân sách xử lý triệt để không hẳn là không hợp lý nhưng quan trọng là quá trình thực hiện phải rõ ràng, minh bạch để tránh tiêu cực. Tiền ngân sách cũng không hẳn là “tiền tươi” mà có thể các chính sách miễn giảm thuế GTGT khi bán tài sản thế chấp, giảm thuế cho doanh nghiệp đang có nợ xấu… Nếu không xử lý dứt điểm mà cứ để ngân hàng, doanh nghiệp “dặt dẹo” vì nợ xấu sẽ càng làm nền kinh tế khó bật lên được”- Luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia ngân hàng. |