Dịch bệnh do virus Zika trong khu vực ASEAN: Nguy cơ đang rất gần Việt Nam

Trần Ngọc Kha 20/09/2016 10:30

Chiều 19/9, Bộ trưởng Y tế các nước trong khu vực ASEAN nhóm họp trực tuyến về nguy cơ lây nhiễm virus Zika khu vực cũng như thảo luận về cách phòng chống đối với nguy cơ này.

Sở Y tế TP HCM tăng cường kiểm soát dịch virus Zika trên địa bàn
có người bệnh sinh sống. (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam, dịch bệnh do virus Zika đang tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trên phạm vi toàn cầu. Thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 19/9, đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền virus Zika. Dịch bệnh lưu hành rộng tại các nước khu vực Nam Mỹ và Caribe; tại các nước khu vực Đông Nam Á cũng đã ghi nhận lưu hành virus Zika ở một số nước như Singapore, Thái Lan, Philipinne, Indonexia, Malayxia. Qua trao đổi, một số quốc gia đã từng ghi nhận ca nhiễm virus Zika từ những năm trước đây nhưng không bùng phát thành dịch và có triệu chứng nhẹ như Thái Lan vào năm 1954, tại Malayxia vào năm 1969.

Tại Hoa Kỳ, ngày 12/8 vừa qua, Chính phủ nước này đã thông báo trình trạng y tế công cộng khẩn cấp để đối phó với dịch bệnh do virus Zika tại Puerto Rico, một đảo thuộc Hoa Kỳ ở khu vực Caribe, do sự gia tăng lây truyền bệnh do virus Zika với hơn 10.000 trường hợp lây nhiễm và các mối đe doạ của loại virus này đối với sức khoẻ phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh tại khu vực.

Theo đó, Cơ quan y tế bang Florrida (Hoa Kỳ) cùng đã thông báo phát hiện 2 khu vực ổ dịch virus Zika lưu hành tại địa phương thuộc hạt Miami - Dabe, bao gồm khu vực Maimi Beach và Wynwood.

Tại Singapore, trong thời gian từ cuối tháng 8 năm nay, bùng phát dịch do virus Zika với số trường hợp mắc tăng nhanh hàng ngày. Trường hợp bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Zika tại đây được phát hiện vào ngày 28/8, sau đó, Bộ Y tế nước này đã tổ chức tăng cường giám sát rộng rãi bệnh do virus Zika đến từng hộ gia đình và đến ngày 16/9 đã ghi nhận 369 trường hợp mắc.

Kết quả nghiên cứu gen cho thấy đây là chủng virus có nguồn gốc châu Á, đã từng lưu hành trong những năm 1960 chứ không phải là chủng xâm nhập từ các nước khu vực châu Mỹ. Trước tình hình như vậy, các nước trong khu vực đã và đang tăng cường giám sát tại các cửa khẩu để chủ động phát hiện sớm và ngăn ngừa các trường hợp xâm nhập.

Tại Việt Nam, đến ngày 16/9, hệ thống giám sát dịch bệnh đã tiến hành xét nghiệm được 2.672 mẫu bệnh phẩm tại 45 tỉnh, TP trên cả nước và đã phá hiện được 3 trường hợp dương tính với virus Zika tại TP HCM, Khánh Hoà và Phú Yên.

Theo Bộ Y tế, các trường hợp nhiễm virus này không có tiền xử đi về từ vùng dịch. Kết quả giải trình tự gen cho thấy mẫu virus Zika tại Khánh Hoà có nguồn gốc từ châu Á và mẫu virus Zika tại TP HCM có nguồn gốc từ châu Mỹ.

Tại cuộc họp trực tuyến này, người đứng đầu các nước khu vực ASEAN thống nhất: Tăng cường giám sát dịch bệnh và tận dụng các cơ chế đánh giá rủi ro trong khu vực hiện có về virus Zika với sự hỗ trợ tích cực của WHO.

Tận dụng quy ước y tế quốc tế được ký năm 2005 (IHR, 2005) và những cơ chế hiện có để đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác những nguy cơ có thể xảy ra tại các nước thành viên. Nâng cao hiệu quả giám sát vùng và những đáp ứng đối với virus Zika cũng như đối với những bệnh mới nổi khác, trên cơ sở những điều kiện và mạng lưới đào tạo hiện có. Cộng đồng ASEAN cũng nghiên cứu và chia sẻ những kỹ thuật mới, kinh nghiệm thực hành tốt nhất trong phòng chống dịch bệnh do virus Zika...

Phát biểu với báo chí sau khi cuộc họp kết thúc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Nguy cơ dịch bệnh do virus Zika là rất gần đối với Việt Nam. Mấu chốt căn bản của việc phòng chống dịch bệnh này vẫn là làm sao cho mọi người tích cực tham gia diệt cho bằng hết loăng quăng (bọ gậy). Nghĩa là, theo Bộ trưởng, phải triệt phá hết mọi đường sống và sinh sôi nảy nở của chúng tại các nơi có thể tồn đọng nước như chum, vại, mảnh sành, lọ hoa vỏ lốp ôtô, xe máy, xe đạp... Bởi, theo nghiên cứu chủng gen virus Zika tại những người bệnh nước ta, gen virus này không phải được xâm nhập từ bên ngoài mà hiện có trong nước.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường lấy mẫu bệnh phẩm trên người tại các nơi nghi ngờ có dịch. Việt Nam đang xây dựng đề án đối phó quốc gia đối với dịch bệnh này và đề nghị quốc tế hỗ trợ thực hiện đề án. “Vấn đề quan trọng là ý thức của mỗi người dân và các tổ chức xã hội phải xác định được tầm quan trọng của dịch bệnh mới có thể phòng chống nó”. Nhận định như vậy, Bộ trưởng cho rằng trong thời gian tới, công tác truyền thông y tế vẫn là khâu quan trọng nhất.

Trần Ngọc Kha