Bí quyết trường thọ tại 'thị trấn trăm tuổi' ở Italy
Thị trấn Acciaroli, phía Nam thành phố Naples của Italy, từ lâu đã được mệnh danh là làng trường thọ bởi người dân nơi đây sống rất lâu và khỏe mạnh. Theo ước tính, cứ 10 người dân sống tại đây thì có 1 người vượt qua độ tuổi 100. Bí quyết của họ là gì?
Ông Giuseppe Luongo, 98 tuổi, nói rằng được sống ở một nơi đẹp đẽ cùng thực phẩm thu từ chính khu vườn của mình, là bí quyết trường thọ. (Nguồn: CNN).
“Ăn nhiều và làm việc chăm chỉ”, ông Giuseppe, một người dân 94 ở thị trấn Acciaroli, nói về bí quyết sống khỏe mạnh của ông.
Ông Giuseppe sở hữu một khu vườn riêng mà ông tự tay chăm sóc mỗi ngày, trong đó gồm nhiều loại cây ăn quả như cà chua, ớt, chanh, cam v.v… Cũng giống như ông Giuseppe, rất nhiều người dân trong thị trấn đều hé lộ rằng bí quyết trường thọ của họ chính là nhờ một chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải, các bài tập luyện mỗi ngày và khí hậu trong lành.
Chế độ ăn uống kiểu Địa Trung Hải đóng vai trò ra sao đối với sức khỏe của người dân ở đây vẫn là điều bí ẩn. Nhưng khẩu phần ăn theo kiểu này thường rất thanh đạm, bao gồm rất nhiều các loại rau, củ, quả tươi, một chút ít carbonhydrate (thường là bánh mỳ) và cá.
Buổi sáng hàng ngày, bà Caterina, 81 tuổi, vợ của ông Giuseppe, đảm nhận việc chuẩn bị bữa ăn theo kiểu Địa Trung Hải gồm khoai tây, cà chua và tỏi nấu cùng với dầu ô-liu. Tuy có vị trí địa lý gần biển nên tận dụng được nguồn cá dồi dào, nhưng không phải rất cả người dân ở Acciaroli đều thích ăn cá, mà họ ăn nhiều loại thịt động vật khác nhau.
Ngoài khẩu phần ăn đặc biệt ra, người ta cho rằng chính bản thân những người cao tuổi cùng điều kiện lý tưởng của cá khu vực ven biển bao quanh Acciaroli đã giúp thị trấn này mang danh là trường thọ. Hiện nay, khu vực này đã trở thành một đề tài nghiên cứu phối hợp giữa Đại học La Sapienza tại Rome và Đại học San Diego ở California (Mỹ).
Các nhà nghiên cứu hiện đang tiến hành thực nghiệm trên 300 người có độ tuổi trên 100 ở vùng này, cố gắng để hiểu xem tại sao họ lại sống lâu và có tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch, bệnh Alzheimer thấp đến nhu vậy. Một trong những điều khiến họ chú ý nhất là việc người dân ở đây có thói quen sử dụng lá hương thảo trong bữa ăn hàng ngày và thói quen dạo bộ trên các ngọn núi quanh vùng.
Nhà dinh dưỡng học nổi tiếng của Mỹ, Ancel Keys, lần đầu tiên phát hiện ra khẩu phần ăn kiểu Địa Trung Hải khi ông phát hiện ra có rất nhiều người cao tuổi và năng động ở khu vực phía Nam Italy. Kể từ đó, Keys đã chuyển tới đây để sống và nghiên cứu về chế độ ăn kỳ diệu này trước khi qua đời ở tuổi 100 hồi năm 2004.
Bà Delia Morinelli, 79 tuổi, chính là đầu bếp nấu ăn cho ông Keys suốt nhiều năm liền ông ở đây. Hiện taj, bà đang vận hành một nhà hàng chuyên về các món ăn Địa Trung Hải. Bà Morinelli đặc biệt hứng thú với các món ăn Địa Trung Hải, và trong bếp của nhà hàng lúc nào cũng có các nguyên liệu chính gồm cà chua, hành, dầu ô-liu, cà rốt, nho khô, cần tây, đậu xanh, cá mòi, lá nguyệt quế, lá hương thảo.
“Khi tôi còn làm việc cho ông Keys, chúng tôi chua bao giờ phải ra hiệu ăn. Trong nhà hàng của tôi hiện giờ, thịt không tồn tại, cũng không có bơ”-bà Morinelli nói.
Thực tế là, Italy cũng là quốc gia có tuổi thọ trung bình rất cao - 82 tuổi. Người dân nước này cũng rất ưa chuộng các loại rau củ quả tươi, và là một trong số những cộng đồng người quan tâm về thực phẩm mà họ tiêu thụ nhất trên thế giới. Người Italy quan tâm tới tất cả những gì liên quan tới thứ mà họ ăn: Nó được mua ở đâu, nó được chuẩn bị ra sao, và cách thức ăn như thế nào?
Bên cạnh đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Italy cũng thuộc loại tốt nhất ở châu Âu. Và quan trọng nhất có lẽ là, người Italy không bao giờ muốn nỗ lực làm việc như một cái máy cho đến khi kiệt sức để đạt cơ hội thăng tiến cho bản thân.
Nhưng bí mật thật sự của trường thọ có thể thu gọn trong cuộc đời của một cặp đôi lớn tuổi ở Acciarolli - ông Antonio và bà Amina. Ông Antonio vừa tổ chức sinh nhật lần thứ 100 của mình hồi tháng Hai vừa qua. Sau khi tham gia quân đội Italy ở Ethiopia những năm 1930, ông trở về Acciarolli và làm nghề đánh cá.
Thời điểm đó, thị trấn rất nghèo mà lại nằm ở nơi hẻo lánh, không có điện hay nước sạch nên người dân thường tự làm ra các sản phẩm lương thực để ăn. Những người khỏe mạnh sẽ sống sót, nhưng người không may mắn thì bỏ mạng vì cuộc sống quá khắc nghiệt. Nhưng ngạc nhiên ở chỗ, ông Antonio không có hứng thú với khẩu phần ăn lành mạnh, mà cho rằng bí quyết sống lâu của ông chính là “phụ nữ đẹp, người phụ nữ của đời tôi”.
Vợ ông Antonio, bà Amina, hiện vẫn sống khỏe mạnh và minh mẫn ở độ tuổi 93. Hàng ngày, bà vẫn làm công việc nội trợ, chăm sóc vườn tược, và sáng tác thơ để tặng cho chồng.