Chuỗi nhà máy bức tử sông Hậu
Dọc tuyến sông Hậu và các cửa biển của 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng đang hình thành khoảng 23 nhà máy điện, theo đó đến năm 2030 nguồn năng lượng ở ĐBSCL dự kiến sẽ rất dồi dào. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khuyến cáo sẽ có nhiều bất cập về môi trường.
Nhà máy giấy Lee& Man nằm cặp sông Hậu.
Nguy cơ được báo trước
Theo quy hoạch, các nhà máy điện tại ĐBSCL giai đoạn 2016-2030, toàn vùng sẽ có 23 nhà máy, trong đó nhiệt điện than chiếm hơn phân nửa với 15 nhà máy, tổng công suất hơn 18.000 MW.
Bên cạnh những thành tựu trong tương lai, các nhà khoa học lo lắng cho môi trường ở ĐBSCL đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nhiều nhà khoa học đặt vấn đề, hàng loạt những thiếu sót trong quy hoạch và xây dựng, các cơ sở pháp lý, quản lý môi trường khi xuất hiện các nhà máy nhiệt điện.
PGS. TS Lê Anh Tuấn-Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ thắc mắc về vị trí làm nơi tập trung đặt các nhà máy nhiệt điện than ngay tại cửa sông Hậu. Nguồn than ở Việt Nam chỉ có ở Quảng Ninh, khá xa đường vận chuyển đến Trà Vinh. Trong khi đó, nguồn than này đang dần cạn kiệt và tương lai sẽ phải nhập than từ Trung Quốc-ông Tuấn nói.
Cụ thể các dự án, PGS.TS Lê Anh Tuấn cũng chỉ ra các bất cập, lỏng lẻo của các nhà quản lý, trong công bảo vệ môi trường, cụ thể: Trong bản nhận xét về chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường của Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải và Dự án Điện gió Bạc Liêu, PGS. TS Lê Anh Tuấn nêu rõ, báo cáo đánh giá tác động môi trường của Nhiệt điện Duyên Hải phần tham vấn cộng đồng được làm rất sơ sài.
Ông Tuấn cho biết, khi trao đổi với người dân trong khu vực, họ than phiền là không được cung cấp các thông tin về tác động của nhà máy lên cuộc sống và sinh kế của họ.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID kết quả khảo sát trong hai năm 2014 và 2015 của GreenID ở 8 nhà máy nhiệt điện trong cả nước cho thấy những vấn đề rất lớn về môi trường như chất lượng nước, không khí.
Cũng theo bà Khanh, người dân ở khu vực xung quanh các nhà máy đều cho rằng chất lượng nước ở khu vực họ sinh sống đều bị suy giảm và ô nhiễm và hầu hết đều cho rằng do ảnh hưởng của nhà máy nhiệt điện than. Nhiều cộng đồng dân cư xung quanh các nhà máy này cũng thường xuyên phàn nàn về chất lượng không khí bị ảnh hưởng do quá trình phát thải của nhà máy khi hoạt động.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện-Chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL cho rằng, thời gian qua rất nhiều dự án gây hậu quả môi trường nghiêm trọng giống như kiểu “con voi chui lọt lỗ kim”.
Ông Thiện đã chỉ ra các lỗi ở các nhà máy nhiệt điện ĐBSCL như: Thiếu đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐMC), Chất lượng đánh giá tác động môi trường thấp (ĐTM); tham vấn cộng đồng qua loa và thiếu giám sát thực hiện các biện pháp quản lý môi trường sau ĐTM…...
Đe dọa vựa lúa, vựa cá
Ghi nhận tại huyện Duyên Hải, Trà Vinh nơi có nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, hiện đang tác động mạnh tới chính quyền và người dân nơi đây, tất cả đang lo lắng, các hộ gia đình bị thu hồi đất nuôi trồng thủy hải sản không thể tiếp tục canh tác trên phần đất còn lại mà phải đi thuê đất ở nơi khác để tiếp tục sản xuất.
Ngoài ra, các hộ gia đình làm muối cũng giảm năng suất do khói bụi từ việc xây dựng và vận hành thử nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 vào tháng 7/2014.
Bà Ngô Thị Mỏng, 61 tuổi, là diêm dân thuộc ấp Mù U, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh hàng chục năm qua cho biết: Từ khi có nhà máy đến nay, năng suất muối của gia đình bà bị giảm một nửa. Thời điểm vận hành thử nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, khói bụi của nhà máy bay xa làm cho muối bị đen, giá thành sản phẩm giảm xuống gần phân nửa còn 15-16 triệu đồng cho 1.000 dạ muối. Thậm chí, có ruộng muối thành phẩm bị đen quá không bán đi được hoặc bán với giá bằng 1/3 giá thị trường...
Ông Nguyễn Văn Giới, Chủ tịch UBND xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, cũng cho biết: Từ khi Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải đóng trên địa bàn, 5 ấp của xã, đều bị ảnh hưởng từ môi trường đến đời sống dân sinh, việc giải quyết nghề nghiệp ổn định cho những người bị thu hồi đất cũng là vấn đề nan giải cho dịa phương.
PGS. TS Lê Anh Tuấn cho biết: Một chuỗi nhà máy công nghiệp độc hại đang hình thành dọc theo sông Hậu, trong đó đáng lưu ý hơn hết là nhà máy giấy Lee& Man ở Hậu Giang và cụm nhà máy nhiệt điện than Duyên Hải.
Ngoài ra còn có nhà máy nhiệt điện than đang xây dựng ở Sóc Trăng. Cần Thơ đang triển khai dự án sân Golf ở Cần Thơ. Đây là những nơi có nguy cơ cao gây ô nhiễm cho nguồn nước vùng Tây Nam Bộ.