Ý tưởng khó khả thi
Không khả thi, thậm chí có phần hài hước chẳng khác gì ý tưởng “ngực lép không được lái xe”, “ngày chẵn đi xe biển chẵn, ngày lẻ đi xe biển lẻ”… đó là những ý kiến trong dư luận xã hội khi đánh giá về chủ trương cấm xe máy ngoại tỉnh đi trong nội thành mà thành phố Hà Nội đang rục rịch xây dựng kế hoạch (đúng ra là đã đề xuất bằng văn bản).
Hà Nội là địa phương tập trung số lượng xe máy nhiều nhất cả nước.
Theo đó, tại dự thảo đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội” đang được đưa ra lấy ý kiến, đối với xe máy, lộ trình hạn chế sẽ thực hiện 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2020): sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, và các ngày lễ, tết.
Từ năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (đường vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày. Đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần. Giai đoạn 2 (từ năm 2023): sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh tại các khu vực phía trong đường vành đai 2 và mở rộng hạn chế xe máy từ phố cổ ra các tuyến phố cũ (khu phố xây dựng từ thời Pháp thuộc như phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt). Giai đoạn 3 (đến năm 2025): sẽ thực hiện cấm xe máy một số địa điểm phía trong đường vành đai 3. Ngay lập tức, dự thảo này nhận được vô số ý kiến bất đồng của dư luận xã hội.
Nếu so với các địa phương, thủ đô Hà Nội là nơi đón nhiều “khách” thập phương nhất. Từ học sinh, sinh viên đến người dân tứ xứ lên học và lập nghiệp rồi tiến dần đến định cư, bám trụ luôn tại thủ đô.
Tất nhiên đi kèm với sự đông đúc là những vấn đề về giao thông, phương tiện đi lại. Bởi dù nghèo hay giàu, mỗi hộ gia đình cũng phải có ít nhất một phương tiện là chiếc xe máy để vận chuyển, di chuyển, phục vụ công cuộc mưu sinh. Chính bởi vậy, nếu nói về số đầu phương tiện xe máy, có lẽ Hà Nội cũng là địa phương tập trung số lượng xe máy nhiều nhất cả nước.
Và cũng từ sự đông đúc đó mà từng ngày, từng giờ, thủ đô đang phải đau đầu với vấn nạn ùn tắc giao thông. Nhiều người dân khi được hỏi đều có chung một câu trả lời: Sợ nhất ra đường vào giờ tan tầm.
“Có khi từ nhà đến nơi làm việc chỉ khoảng hai cây số thôi nhưng phải mất đến gần một giờ đồng hồ để di chuyển”-một nhân viên công sở đã chia sẻ như vậy khi nói về vấn đề giao thông tại thủ đô hiện nay. Còn nhớ chuyến thăm của Tổng Thống Mỹ Obama, ông cũng đã rất thảng thốt khi chứng kiến giao thông tại thủ đô Hà Nội và bày tỏ sự kinh ngạc khi cho rằng, không thấy ở đâu nhiều phương tiện xe máy như ở Việt Nam.
Có lẽ không một địa phương nào, vấn đề giao thông lại nặng nề như tại thủ đô Hà Nội. Song, xử lý thế nào với sự quá tải về phương tiện giao thông, là một vấn đề không đơn giản. Một lần nữa ý tưởng cho việc hạn chế xe máy ngoại tỉnh trong nội đô thành phố lại nhận được những bức xúc của dư luận xã hội.
Giới chuyên gia nhận định, nếu cấm như vậy, phần lớn người dân ở Hà Nội hiện nay đều là người ngoại tỉnh, lên thủ đô học tập và làm ăn, mưu sinh, nếu cấm xe máy ngoại tỉnh thì họ sẽ sử dụng phương tiện gì?
Trong khi, hầu hết thu nhập của người dân còn thấp, họ đã phải xa quê hương lên thành phố để kiếm sống, họ lấy đâu ra tiền để mua một chiếc xe máy mới đăng ký biển nội thành? Trong khi đó, phương tiện công cộng, hạ tầng giao thông lại đang rất thiếu và yếu. Nhiều người còn cho rằng, đây là một sự phân biệt vùng miền, đối xử không công bằng với những người không có hộ khẩu Hà Nội.
Không ít lần trao đổi về vấn đề giao thông của thủ đô, người viết đã nhận được những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, Hà Nội chỉ có thể hạn chế được xe máy-phương tiện chính của hầu hết người dân đang sinh sống tại thủ đô-khi phát triển được các phương thức vận tải công cộng khác như: đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, xe buýt.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay: đường sắt trên cao vẫn đang xây dựng dở dang, chưa đâu vào đâu, tàu điện ngầm hoàn toàn là con số 0…tất cả dường như đều mới chỉ ở vạch xuất phát, chỉ duy nhất xe buýt là phương tiện công cộng song luôn ở tình thế quá tải… thì làm sao có thể phục vụ được nhu cầu của người dân hiện nay?
Bởi vậy, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, ý tưởng này hoàn toàn không khả thi, thậm chí có phần nực cười, hài hước không khác gì những ý tưởng trước đó mà nhà quản lý đã đưa ra như việc ngực lép thì không được lái xe, xe biển chẵn thì không được tham gia giao thông vào ngày lẻ và ngược lại, xe biển lẻ không tham gia giao thông vào ngày chẵn...
Đành rằng, với thủ đô Hà Nội, vấn nạn nan giải nhất hiện nay chính là ùn tắc giao thông và chắc chắn sẽ phải tìm ra phương án để giải quyết. Song, giải quyết như thế nào cho hợp lý, tạo được sự đồng thuận của dư luận xã hội là vấn đề cần phải được cân nhắc rất kỹ. Nhất là với những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, dày đặc như Hà Nội thì những quyền lợi khác của người dân thì lại càng cần phải tính toán kĩ lưỡng. Còn nếu chỉ vì mục tiêu giảm ùn tắc giao thông mà bỏ đi những quyền lợi của người dân là hoàn toàn không nên.