GS Phong Lê hiến tặng hiện vật khoa học

Hương Lê 22/09/2016 09:10

Vào ngày 25/9 tới đây tại Hà Nội, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ tổ chức tiếp nhận khối tài liệu, hiện vật về lịch sử cuộc đời GS Phong Lê.

GS Phong Lê hiến tặng hiện vật khoa học

Một trong những hiện vật khoa học của GS Phong Lê hiến tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Đây là một khối tài liệu lớn và quý, với hơn 8.000 tài liệu gồm các sổ ghi chép, bản ghi chép, bản thảo sách, bản thảo bài viết, thư từ trao đổi, kỷ vật, bài viết, báo cáo khoa học, ảnh tư liệu, sách xuất bản… trong suốt cuộc đời và sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông.

GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), là một nhà khoa học có nhiều đóng góp trong nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam hiện đại. Ông cũng là một trong những nhà khoa học đã tham dự lễ khởi động dự án và ra mắt Trung tâm vào tháng 9/2008.

Từ đó đến nay ông đã dành nhiều thời gian chia sẻ với Trung tâm và dành tặng cho Trung tâm toàn bộ khối tài liệu hiện vật đồ sộ về lịch sử cuộc đời của ông.

Lúc còn sinh viên, ông có tham gia sáng tác và có một số truyện ngắn đã được đăng. Nhưng từ khi về Viện Văn học, cuộc đời ông gắn liền với công tác nghiên cứu, phê bình.

Bên cạnh nghiên cứu về một số tác gia văn học lớn như Hồ Chí Minh, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… thì dấu ấn của Phong Lê in đậm trong những công trình nghiên cứu các vấn đề chung trong văn học hiện đại, tiêu biểu như “Mấy vấn đề văn xuôi Việt Nam 1945-1970” (1972), “Văn xuôi Việt Nam trên con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa” (1980), “Văn học và công cuộc đổi mới” (1994), “Văn học trên hành trình của thế kỷ XX” (1997), “Một số gương mặt văn chương học thuật Việt Nam hiện đại” (2001), “Văn học Việt Nam hiện đại-những chân dung tiêu biểu” (2001), “Văn học Việt Nam hiện đại - lịch sử và lý luận” (2003), “Đến với tiến trình văn học Việt Nam hiện đại” (2009), “Phác thảo văn học Việt Nam hiện đại” (2013), “Trăm năm trong cõi” (2014)…

Tính đến nay, GS Phong Lê là tác giả của 30 cuốn sách in riêng và hàng chục công trình tập thể do ông chủ biên, tham gia biên soạn cùng hàng trăm bài viết trên các tạp chí, bài tham luận trong các hội thảo quốc gia và quốc tế. Nhiều công trình nghiên cứu của ông được đánh giá cao, đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín, tái bản nhiều lần và và trở thành những tài liệu tham khảo quan trọng của giới nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại.

Theo PGS TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam: những tài liệu mà GS. Phong Lê hiến tặng cho Trung tâm có nhiều giá trị để tìm hiểu về lịch sử phát triển của Viện Văn học, nhất là giai đoạn đổi mới văn học từ giữa những năm 80 đến giữa những năm 90 thế kỷ trước.

Những tài liệu này cũng liên quan đến nhiều nhà nghiên cứu từng làm việc với GS Phong Lê hay nhiều vấn đề văn học mà ông quan tâm, sưu tầm lại để sử dụng qua các giai đoạn khác nhau.

Buổi lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật này cũng là dịp để các đồng nghiệp, bạn bè và học trò của GS Phong Lê cùng chia sẻ những kỷ niệm về ông, trao đổi về những đóng góp của ông trong nghiên cứu, phê bình văn học, quản lý Viện Văn học và đào tạo, giảng dạy.

Đây cũng là dịp không những để nhìn nhận lại khối tài liệu to lớn cả về số lượng và giá trị mà GS Phong Lê đã để lại cho các thế hệ sau mà còn để thấy công việc giữ gìn di sản của các nhà khoa học là vô cùng hữu ích và cần thiết với đất nước.

Trong năm 2016 Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam cũng đã được đón nhận khối tài liệu nghiên cứu khoa học trong vòng 10 năm qua về văn học của GS.TS Đinh Xuân Dũng; tiếp nhận khối tư liệu của GS TS Bùi Minh Toán…và các nhà khoa học khác hiến tặng.

Hương Lê