Robot đánh trống trường đầu tiên tại Việt Nam
Nỗi khắc khoải về tiếng trống trường trong kí ức đến trường trong tuổi thơ của nhiều thế hệ học sinh đã thôi thúc người thầy Nguyễn Hữu Thọ, giảng viên Khoa Điện-Điện tử, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long sáng chế thành công chú Robot đánh trống trường đầu tiên tại Việt Nam.
Thầy Nguyễn Hữu Thọ, tác giả của Robot đánh trống trường.
Qua hơn 22 năm giảng dạy, nghiên cứu tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, thầy Hữu Thọ đã nghiên cứu thành công hệ thống chuông báo tự động để cung cấp cho các trường phổ thông trên địa bàn.
Mặc dù, sáng chế này được các trường hưởng ứng nhưng nhiều thầy cô, học sinh vẫn mong muốn được nghe tiếng trống đã đi vào lòng của nhiều thế hệ học sinh. Xuất phát từ mong muốn đó, thầy Hữu Thọ đã dày công nghiên cứu, với hy vọng tìm ra một thiết bị vừa hiện đại vừa mang giá trị truyền thống.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, thầy Nguyễn Hữu Thọ cho biết: Ý tưởng ban đầu để đi vào nghiên cứu chế tạo chú Robot đánh trống trường là việc một vài em học sinh tâm sự với tôi rằng: “Sao bây giờ em lại thấy các trường thường thay thế tiếng trống bằng tiếng chuông, trong khi tiếng trống nghe lại rất dễ chịu. Tiếng trống trường mang nét văn hóa rất riêng của Việt Nam”.
Chính những chia sẻ đó đã thôi thúc tôi phải làm cái gì đó để mang tiếng trống trường về với các em trên nền tảng của ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Đầu năm 2014, thầy Hữu Thọ chính thức bắt tay đi vào triển khai ý tưởng và nghiên cứu sáng tạo. Trải qua nhiều khó khăn, đến cuối năm 2014 thì sản phẩm Robot đánh trống trường tự động đầu tiên ở Việt Nam đã ra đời.
Về cấu tạo, Robot đánh trống trường có 3 bộ phận chính hợp thành gồm: hệ thống điều khiển, cơ cấu chấp hành và giá đỡ trống. Hệ thống điều khiển, có nhiệm vụ đưa ra các tín hiệu điều khiển để robot tiến hành thực hiện các hành động đã được lập trình trước. Phần cơ cấu chấp hành gồm các bộ phận như: thân, tay, dùi,... của robot và hệ thống cơ khí, điện. Bộ phận cơ cấu chấp hành có nhiệm vụ vận hành theo các tín hiệu nhận được từ hệ thống điều khiển. Bộ phận giá đỡ trống có chức năng gắn kết thân robot với trống và giữ cố định trống.
Nhờ được thiết kế trên nền tảng tự động hóa, nên Robot đánh trống trường có nhiều ưu điểm. Quá trình vận hành được lập trình như mong muốn và hoàn toàn tự động, đảm bảo thực hiện các lệnh đúng giờ theo thời khóa biểu của mỗi trường.
Quá trình sử dụng có thể thay đổi tốc độ nhanh, chậm, to, nhỏ và số lượng tiếng trống theo như mong muốn. Do thiết bị nhỏ gọn, nên có thể đặt ở nhiều vị trí khác nhau trong trường. Đặc biệt lượng điện năng tiêu thụ khá thấp (chỉ bằng mức tiêu thụ của 1 bóng đèn cà na).
Đến nay, qua nhiều lần cải tiến, hướng đến hoàn thiện sản phẩm, thầy Hữu Thọ cho biết: Hiện Robot đánh trống trường ngoài việc đánh trống còn được tích hợp các tính năng khác như: tự động phát nhạc vào mỗi khung giờ tập thể dục, gắn kết được với hệ thống tưới cây xanh tự động và hệ thống điều khiển bóng đèn thông minh tiết kiệm,...
"Ban đầu, tôi gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoàn thiện sản phẩm với nhiều chi tiết tưởng chừng đơn giản nhưng lại là một vấn đề nan giải. Đặc biệt, ở bộ phận tay robot đánh trống, vì so với sức đánh của người thì lực tác động vào bề mặt trống vừa phải và có sức đàn hồi tốt, do các khớp tay mang lại, làm cho bề mặt trống không bị hư hỏng. Qua nhiều lần thử nghiệm với các chất liệu khác nhau để làm cánh tay robot nhưng đều không thành công. May mắn, cuối cùng tôi đã chọn được chất liệu cao su đặc biệt để tạo nên tính đàn hồi gần giống như lực tác động từ cánh tay người, kết hợp với phần dùi trống được làm bằng gỗ. Từ đó, cánh tay robot đã bắt đầu hoạt động tốt hơn, âm thanh cũng vang hơn và hạn chế thấp nhất việc hư hỏng bề mặt trống", Thầy Hữu Thọ chia sẻ.
Với mong muốn mang tiếng trống đến rộng khắp các điểm trường trên toàn quốc, thầy Hữu Thọ đã cùng cộng tác của mình là thầy Phan Linh Quang, từng là giảng viên đại học về lĩnh vực tin học, mạnh dạng nhân rộng sản xuất các chú Robot đánh trống trường. Đến nay, đã có trên 10 robot đánh trống trường được đưa vào vận hành thử nghiệm tại các trường thuộc ĐBSCL và Đông Nam Bộ.
Đông đảo học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm thích thú, tò mò về chú Robot.
Em Lê Khánh Vy, học sinh lớp 12, chuyên Hóa trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long cho biết: Bản thân em, cùng nhiều bạn bè bị cuốn hút về chú robot này. Bên cạnh đó, so với tiếng chuông mà nhà trường lắp đặt trước đó thì em vẫn thích tiếng trống từ chú robot này hơn, vì nó không gây khó chịu mà lại nghe rất rõ.
Đang háo hức, tò mò bên chú robot, em Võ Hoàng Đức Thịnh, học sinh lớp 10 chuyên Văn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long cho biết: Theo em con robot này là một sáng tạo rất thú vị, nó rất phù hợp với môi trường trường học vì giữa tiếng trống và tiếng chuông thì tiến g trống vẫn mang nét văn hóa Việt Nam hơn. Đặc biệt, khi tiếng trống trường vang lên nó tạo nên sự háo hức trong chúng em khi đến trường.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Hồng Phước, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long cho biết: Từ khi lắp đặc Robot đánh trống trường được hơn 1 tháng nay, đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều học sinh trong trường. Các em cảm thấy rất thích thú và tò mò về sản phẩm khoa học kỹ thuật này. Tôi tin rằng, qua hình ảnh chú robot đánh trống trường này sẽ phần nào truyền cảm hứng trong việc học tập, nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật của các em ở cả hiện tại và tương lai.
Với việc tạo ra các chú Robot đánh trống trường, một sản phẩm khoa học kỹ thuật vừa mang tính hiện đại lại vừa mang đem đến giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, nhóm nghiên cứu đã giúp cho tiếng trống trường có cơ hội hồi sinh mạnh mẽ trong nhịp sống khoa học công nghệ ngày càng phát triển. Hy vọng âm vang nhộn nhịp, tưng bừng từ chiếc trống trường của một thời học sinh mà nhà thơ Thanh Hào đã gieo vào kí ức tuổi thơ của bao thế hệ học sinh sẽ tiếp tục vang mãi: “Kìa trống đang gọi - Tùng! Tùng! Tùng! Tùng... - Vào năm học mới - Rộn vang tưng bừng.”