Bấp bênh thép nội

H.Hương 23/09/2016 09:05

Tình trạng nhập khẩu sắt thép vẫn giữ tốc độ cao không khác gì với thời điểm trước khi Bộ Công thương ra quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Mặt khác, thép nội luôn trong tình trạng bấp bênh cả về giá và lượng. Theo các chuyên gia kinh tế, để hướng tới xây dựng được một ngành công nghiệp thép thì việc xây dựng các hàng rào thuế quan cho thép nội là cần thiết.

Nhập khẩu thép vẫn tăng

Ngày 22/9, tại Cần Thơ, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cùng với trường đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành vùng tây Nam bộ và Tập đoàn thép JFE Steel (Nhật Bản) tổ chức hội thảo “Áp dụng các sản phẩm thép và các kỹ thuật tiên tiến của Nhật Bản vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL”. Tại hội thảo, lãnh đạo ngành giao thông vận tải 2 tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau đề nghị phía Tập đoàn JFE xây dựng và công bố các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật , tiêu chuẩn thi công, nghiệm thu để có cơ sở áp dụng rộng rãi.

Q.Khánh

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 8, lượng sắt thép nhập về là 12,6 triệu tấn, tăng 27,3% về lượng. Về nguồn gốc, sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu đến từ Trung Quốc, kế tiếp ở vị trí thứ 2 là Nhật Bản với số lượng 1,83 triệu tấn, tăng 8,1%; Hàn Quốc: 1,18 triệu tấn, tăng 3,3%... so với 8 tháng năm 2015.

Bên cạnh đó, các chính sách mà Bộ Công thương đưa ra nhằm bảo hộ và giúp ngành thép nội đang được áp dụng, đó là: Bộ Công thương áp thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo đó, phôi thép và thép dài nhập khẩu từ nhiều nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam sẽ chịu thuế tự vệ lần lượt là 23,3% và 14,2%.

Ngoài ra Bộ Công thương cũng áp dụng chính sách áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ nhập khẩu vào Việt Nam từ các quốc gia/vùng lãnh thổ gồm Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc)... Cả hai biện pháp này được coi là hữu hiệu để bảo vệ sản xuất trong nước.

Những tưởng kể từ khi ngành thép được bảo hộ bằng chính sách thuế của Nhà nước, cũng là lúc giấc mơ lớn mạnh của ngành thép nội được nhen nhóm. Theo lý giải của Bộ Công thương cũng như một số doanh nghiệp thép nội tại Việt Nam thì, nếu không bảo hộ thì thép Trung Quốc sẽ ồ ạt tràn vào đè chết ngành thép nội, sản xuất bị đình đốn. Trong tiến trình hội nhập và phát triển, các quốc gia đều đưa ra những chính sách bảo hộ thương mại nhằm mục đích bảo vệ, phát triển sản phẩm trong nước.

Điều đó tất nhiên là điều cần thiết. Tuy nhiên, với ngành thép của Việt Nam, với chính sách bảo hộ bằng hình thức thuế quan mà không xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện thì liệu rằng, ngành thép nội có thực sự vững được chân trên chính sân nhà. Bởi doanh nghiệp thép nội xem ra vẫn cảnh mạnh ai nấy hưởng.

Ai cũng nhận ra việc bảo hộ thép nội bằng các loại thuế phòng vệ đương nhiên sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp thép lớn như Hòa Phát, Thép Thái Nguyên nói riêng, có lợi cho ngành sản xuất hàng hóa bị áp thuế và cho các ngành sản xuất thượng nguồn của hàng hóa đó nói chung; bất lợi cho ngành sản xuất hạ nguồn. Trong khi cơ quan quản lý đưa ra những lý do, để giảm thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thép Việt Nam, giúp ngành thép thêm cơ hội cạnh tranh thì người tiêu dùng lại bị thiệt hại. Thực trạng của ngành thép đang bộc lộ rất nhiều điểm yếu và thiếu, khi số lượng nhập khẩu vẫn tăng theo thời gian, thép Trung Quốc vẫn tràn đầy thị trường.

Giá thép dự báo điều chỉnh tăng

Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh thép trong nước đã có những tăng trưởng trong thời gian qua, nhưng Việt Nam vẫn là nước nhập khẩu lượng lớn thép, đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 7 trên thế giới. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục nhập khẩu nhiều sản phẩm phôi thép và thép thành phẩm mặc dù Bộ Công thương đã áp thuế tự vệ tạm thời với các sản phẩm này từ 14,2 – 23,3%.

Dự báo mới nhất từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép có thể nhích cao hơn trong mùa xây dựng cuối năm. Do nhu cầu xây dựng trong nước tốt, cùng với những tín hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản hồi phục nên lượng thép dài sản xuất và tiêu thụ vẫn giữ được mức sản lượng khá cao. Hiện phôi thép và thép thanh đã có mức tăng đáng kể. Cụ thể, phôi thép từ đầu tháng 7 là 300 – 310 USD/tấn đã tăng lên 315 – 325 USD/tấn vào đầu tháng 8. Thép thanh cũng tăng tương tự từ 308 – 315 USD/tấn lên 330 – 338 USD/tấn. Trong nước giá bán thép xây dựng tại các nhà máy phía Bắc là 9,4 – 9,9 triệu đồng/tấn; miền Nam là 9,4 – 9,7 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm 10% VAT, giao tại nhà máy...).

Đằng sau dự báo này cũng nhận ra rằng, giá thép của Việt Nam đang bị tác động mạnh mẽ bởi giá thép, phôi thép ngoại Trung Quốc. Lượng sắt thép do doanh nghiệp Việt Nam luôn trong tình trạng bấp bênh cả về giá và lượng. Chỉ cần một biến động nhẹ từ thị trường Trung Quốc kéo theo sự thay đổi ở thị trường nội địa.

Theo các chuyên gia kinh tế, để hướng tới xây dựng được một ngành công nghiệp thép thì việc xây dựng các hàng rào thuế quan cho thép nội là cần thiết. Nhưng mặt khác, về phía các doanh nghiệp cũng phải có những cam kết nhất định về quá trình phát triển. Nếu không có ràng buộc về mặt pháp lý, doanh nghiệp sản xuất trong nước có thể mặc nhiên hưởng lợi mà không cần phải tốn công để phát triển theo yêu cầu của ngành. Điều này đã được chứng minh trong nhiều năm qua khi thép ngoại liên tiếp lấn sân thép nội, các nhà máy thép được dựng lên nhưng áp dụng công nghệ lạc hậu dẫn đến sản phẩm đầu ra không cạnh tranh nổi trên thị trường. Rõ ràng “lỗ hổng” đã được nhìn ra nhưng chúng ta vẫn chưa có biện pháp xử lý sự “rò rỉ” của chính sách này.

H.Hương