Cty tái chế giấy Hoàng Đông (Thanh Hoá): Hoạt động không phép suốt nhiều năm
Sau khi báo Đại Đoàn Kết đăng loạt bài phản ánh việc Cty Hoàng Đông đóng sát chân cầu vượt Hàm Rồng thuộc phường Tào Xuyên, TP Thanh Hoá chuyên sản xuất giấy tái chế, gây ô nhiễm môi trường, Sở TN-MT Thanh Hoá đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra toàn bộ hoạt động của nhà máy này. Kết quả cho thấy, Cty Hoàng Đông có vi phạm nghiêm trọng.
Cty Hoàng Đông gây ô nhiễm môi trường.
Tiền hậu bất nhất
Tại văn bản số 152/CV-UBND do ông Lê Văn Chiến - Chủ tịch UBND phường Tào Xuyên ký ngày 29/8/2016, đề nghị UBND TP Thanh Hoá, Sở TN-MT thanh tra toàn diện Cty Hoàng Đông, nêu rõ: Tại buổi đối thoại giữa UBND phường Tào Xuyên và Cty Hoàng Đông diễn ra ngày 23/8/2016, ông Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc doanh nghiệp này thừa nhận: Cty Hoàng Đông đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến môi trường.
Song ông Hoàng lại cho rằng người dân phản ánh quá mức, bởi doanh nghiệp đã có bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường được cấp có thẩm quyền xác nhận. Song, thực tế bản đăng ký do Sở KHCN và Môi trường Thanh Hoá cũ cấp cho cơ sở sản xuất giấy tái chế của ông Nguyễn Công Hoàng vào năm 2002 chỉ có quy mô hoạt động trên diện tích 200m2 với công suất 200 tấn giấy/năm.
Cũng tại văn bản nêu trên, UBND phường Tào Xuyên nhấn mạnh: Cty Hoàng Đông chưa thực hiện một số kết luận, yêu cầu ghi trong biên bản kiểm tra do Chi cục BVMT lập ngày 1/4/2016 về chương trình giám sát, chưa lập kế hoạch và đề án BVMT. Ông Nguyễn Công Hoàng còn thể hiện quan điểm “tiền hậu bất nhất”, khi đưa ra đề nghị các cơ quan chức năng thanh kiểm tra giúp đỡ, kết luận nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất kinh doanh thì tạo điều kiện để đơn vị được thuê 5.000m2 đất ở nơi khác để di dời nhà máy.
Điều khiến dư luận băn khoăn hơn nữa, đó là Cty Hoàng Đông từng nhiều lần bị Phòng CSMT Công an Thanh Hoá lập biên bản xử phạt, Sở TNMT nhiều lần kiểm tra, lập biên bản nhưng rồi mọi việc vẫn diễn ra như cũ. Cty Hoàng Đông vẫn ngang nhiên mở rộng cơ sở sản xuất, không được ngành chức năng kiên quyết xử lý.
Mặc dù mới kiểm tra ngày 15/4/2016, nhưng ngay sau khi báo Đại Đoàn Kết phản ánh sự việc, ngày 8/9/2016, Sở TN-MT Thanh Hoá thành lập đoàn kiểm tra bao gồm: Chi cục BVMT, Phòng CSMT Công an Thanh Hoá, UBND TP. Thanh Hoá, UBND phường Tào Xuyên và đại diện nhân dân phố Nghĩa Sơn III tiếp tục tiến hành kiểm tra môi trường tại Cty Hoàng Đông xác minh nội dung loạt bài viết “Cty Hoàng Đông: Lợi dụng đêm tối để xả thải”.
Kết quả kiểm tra cho thấy: Doanh nghiệp này được Sở KHĐT Thanh Hoá cấp phép cách đây đúng 13 năm. Đến năm 2009, Cty Hoàng Đông tự ý nâng tổng công suất sản xuất với sản phẩm chính là giấy cuộn bìa catton lên mức 1.000 tấn/năm, cao gấp 5 lần so với quy định cho phép. Nhà xưởng mở rộng, cơi nới lên 1.500m2, nhưng thực tế Cty Hoàng Đông chỉ có vỏn vẹn 400m2. Về nhân lực, tổng số công nhân làm việc cố định và thời vụ tại Cty Hoàng Đông là 100 người.
Như vậy, chỉ qua những chi tiết trên cho thấy, Cty Hoàng Đông đã mắc nhiều sai phạm rất nghiêm trọng khi chưa được các cơ quan chức năng liên quan cấp phép hoạt động trong giai đoạn mới.
Không đủ điều kiện hoạt động
Ý kiến của Phòng TN-MT thuộc UBND TP Thanh Hoá khẳng định: Trong quá trình hoạt động, Cty Hoàng Đông đã nâng cấp, cải tạo dây chuyền sản xuất của nhà máy. Song chủ doanh nghiệp lại không thực hiện nâng cấp nhà xưởng. Cơ sở hạ tầng hiện nay xuống cấp và không đủ điều kiện hoạt động sản xuất công nghiệp.
Hơn thế, Cty Hoàng Đông còn vi phạm nghiêm trọng trong sử dụng đất đai, tự ý cơi nới, mở rộng nhà xưởng lên tổng diện tích 1.500m2 nhưng không có hồ sơ, thủ tục về môi trường liên quan. Việc Cty Hoàng Đông tập kết nguyên vật liệu tại hành lang gầm cầu Hàm Rồng vượt, nâng công suất là tự phát và không được cấp có thẩm quyền cho phép nên phải sớm di dời về KCN Hoàng Long.
Tại biên bản lập ngày 8/9/2016, đoàn kiểm tra kết luận thông tin báo Đại Đoàn Kết cũng như người dân phường Tào Xuyên phản ánh là có cơ sở. Nước thải sản xuất chưa được thu gom và xử lý triệt để, rò rỉ ra sàn công nghiệp, công tác vệ sinh môi trường không sạch sẽ, bột giấy dính bám nhiều trên các máy móc, thiết bị nhà xưởng, thiếu công trình thu gom nước mặt.
Ngoài việc xem xét xử phạt hành chính, đoàn kiểm tra yêu cầu, trước mắt Cty Hoàng Đông quay về duy trì sản xuất với công suất 200 tấn/năm. Thu gom triệt để nước thải sản xuất, cải thiện hệ thống xử lý phù hợp với quy mô sản xuất đảm bảo không xả nước thải chưa đạt quy chuẩn cho phép ra môi trường. Ngoài ra, Cty Hoàng Đông phải tăng cường công tác vệ sinh môi trường nhà xưởng, thường xuyên vệ sinh máy móc, tránh để rò rỉ bột giấy, nước thải, mùi hôi thối, khí thải độc hại ra môi trường. Xây dựng hệ thống thu gom nước mặt...
Cty Hoàng Đông cần phối hợp với các sở, ngành liên quan lựa chọn vị trí thích hợp để di dời nhà xưởng sản xuất khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, việc đoàn kiểm tra cho phép một doanh nghiệp từng vi phạm trắng trợn về vấn đề môi trường, vi phạm về thủ tục pháp lý tiếp tục hoạt động với công suất cho phép từ khi mới được thành lập năm 2002 có thể sẽ là kẽ hở tạo “điều kiện” cho việc tái phạm.