Trường Trung cấp Y, Dược khó tuyển sinh: Không phải do đổi cơ quan quản lý
Nghị quyết số 76 về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2016 đã giao quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho Bộ LĐ,TB&XH. Về vấn đề này vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn. Mới đây nhất, một số trường trung cấp, cao đẳng y, dược vẫn kiến nghị giao quản lý nhà nước đối với các trường y, dược cho Bộ GD&ĐT.
Tuyển sinh trường trung cấp đang không có lối ra,
khối ngành y dược càng bế tắc. (Ảnh: Mỹ Quyên).
Về điều này, TS Nguyễn Hồng Minh- Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ,TB&XH) chia sẻ: Bộ LĐ,TB&XH chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, tức là xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện pháp luật và tổ chức, điều hành các hoạt động để đưa GDNN vào thực tiễn, chứ không phải cơ quan chủ quản, như một số trường đang hiểu.
TS Nguyễn Hồng Minh khẳng định: Việc giao quản lý nhà nước cho Bộ LĐ,TB&XH quản lý đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc, xem xét, kỹ lưỡng, trong suốt thời gian dài, trong đó có tham vấn nhiều chuyên gia, trước khi đưa ra quyết định. Hơn nữa, Bộ LĐ,TB&XH cũng là cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm trong quản lý phát triển nguồn nhân lực lao động ở các lĩnh vực cho quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội đánh giá cao.
Để minh chứng cho nhận định trên, ông Minh thông tin: Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 1998 đến nay, dưới sự quản lý của Bộ, hoạt động đào tạo nghề đã được phục hồi và có bước phát triển mạnh mẽ, từng bước đáp ứng nhu cầu đa dạng về nhân lực lao động kỹ thuật phục vụ trực tiếp trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Do vậy, thực hiện theo Luật GDNN, khi hệ thống chuyên nghiệp và dạy nghề thống nhất, việc giao quản lý nhà nước về lĩnh vực này cho Bộ LĐ,TB&XH là một quyết định khách quan, được sự đồng thuận, thống nhất cao trong Chính phủ.
Ông Minh nhấn mạnh, Bộ LĐ,TB&XH chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, tức là xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện pháp luật (xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách về GDNN) và tổ chức, điều hành các hoạt động để đưa GDNN vào thực tiễn, chứ không phải cơ quan chủ quản, như một số trường đang hiểu. Việc quản lý trực tiếp (cơ quan chủ quản) các trường chuyên nghiệp vẫn là các Bộ, ngành, địa phương như trước đây, không hề có sự thay đổi.
Trao đổi về ý kiến của các trường trung cấp y, dược trong cuộc họp mới đây cho rằng, lĩnh vực sư phạm, y tế, quốc phòng, an ninh… là những lĩnh vực đặc thù, nên được giao về Bộ GD&ĐT quản lý, ông Minh cũng trả lời tương tự: Bộ LĐ,TB&XH chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, tức là xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức triển khai, chứ không phải quản lý về mặt chuyên môn của các lĩnh vực này. Việc này cũng giống như Bộ GD&ĐT không phải là cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực y tế, văn hóa, quốc phòng an ninh… nhưng vẫn thực hiện quản lý nhà nước ở những lĩnh vực này trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó cũng có nhiều trường trung cấp, cao đẳng y, dược cho rằng, khi giao quản lý nhà nước từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐ,TB&XH có thể làm cho các trường khó khăn trong công tác tuyển sinh. Về điều này, ông Minh chia sẻ: Tôi rất cảm thông trước những lo lắng của các trường trung cấp y, dược trong bối cảnh tuyển sinh hiện nay. Tuy nhiên, nguồn gốc sâu xa của những lo lắng trong công tác tuyển sinh không phải vì thay đổi cơ quan quản lý nhà nước từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐ,TB&XH mà vì nhiều nguyên nhân.
Như chúng ta đều biết, trong những năm qua, việc tuyển sinh của các trường trung cấp chuyên nghiệp hết sức khó khăn (đã có trường phải giải thể), vì việc tuyển sinh đại học phát triển mạnh; học sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp phần lớn để liên thông lên trình độ cao hơn, không gắn với thị trường lao động, nên khi ra trường không tìm kiếm được việc làm. Bên cạnh đó có ảnh hưởng lớn từ Thông tư liên tịch số 26 và 27 do Bộ Y tế và Bộ Nội vụ ban hành tháng 10-2015 quy định mã số, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp của các nghề điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và dược. Theo quy định của 2 thông tư này, từ 1-1-2021 trở đi các chức danh trên đều phải có trình độ cao đẳng. Như vậy, ngầm hiểu các trường trung cấp y, dược chỉ được tuyển sinh đến hết 2018 và sau 2018 nếu không nâng cấp thành cao đẳng thì sẽ phải đứng trước nguy cơ giải thể…