Giao thông thủy ở Phú Thọ: Đụng đâu sai đó

Đức Sơn 24/09/2016 11:27

Sau loạt bài “Hiểm họa rình rập trên sông” của Báo Đại Đoàn Kết (tháng 4/2016) phản ánh việc các bến bãi không phép nở rộ và tình trạng mất an toàn giao thông đường thủy tại tỉnh Phú Thọ, Ban An toàn giao thông tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Sở GTVT và các ngành chức năng kiểm tra công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn. Kết quả cho thấy, hầu hết các nơi bị “sờ” đến đều có hiện tượng vi phạm.

Các phương tiện đường thủy nội địa tập trung quá dày đặc, xâm hại hành lang an toàn cầu sông Lô, huyện Đoan Hùng.

Nhổ biển cấm, để cấp phép cho DN

Dựa trên đề xuất của doanh nghiệp, ngày 29/8/2016, Sở GTVT tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định số 690/QĐ-SGTVT quyết định cấp phép cho Công ty TNHH Nam Phong hoạt động bến nổi từ km 61+180 đến km62+130 bên bờ trái sông Lô thuộc địa bàn xã Đại Nghĩa (huyện Đoan Hùng) với mục đích bốc xếp, trung chuyển hàng hóa.

Đáng nói, khu vực cấp phép cho Công ty Nam Phong nằm đối diện với Cảng nội địa Đoan Hùng và nằm trong khu vực hai kè trị thủy khiến cho lòng sông Lô bị thu hẹp, giao thông qua khu vực này càng thêm hỗn loạn và mất an toàn.

Đặc biệt, tại khu vực này, trước kia có 4 biển báo cấm các phương tiện đường thủy neo đậu để đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực này.

Thế nhưng, dường như để “hợp thức hóa” và tiện bề cho việc cấp phép bến nổi cho doanh nghiệp, Sở GTVT tỉnh Phú Thọ và một số ngành chức năng liên quan đã tổ chức nhổ bỏ 4 biển cấm neo đậu nêu trên.

Lý giải vấn đề, theo ông Nguyễn Tiến Hùng- Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Thọ lại cho rằng, việc thu hồi 4 biển báo cấm phương tiện neo đậu (C1.4) tại khu vực từ km 59+600 đến km62 +130 bến bờ trái sông Lô thuộc địa bàn xã Đại Nghĩa với lý do: các biển báo cấm đỗ này trước đây được lắp đặt với mục đích cấm các phương tiện thủy nội địa neo đậu để hút cát.

Hiện tại khu vực này các cơ quan có thẩm quyền đang triển khai hướng dẫn các chủ bến nổi hoàn thiện hệ thống báo hiệu đường thủy để được cấp phép hoạt động với mục đích trung chuyển hàng hóa (!?).

Còn theo ông Nguyễn Huỳnh Lý-Đại diện Cảng vụ ĐTNT Phú Thọ, mặc dù bến nổi Nam Phong 2 hoạt động từ ngày 1/9/2016 nhưng đến nay, phía công ty chưa gửi đầy đủ hồ sơ pháp lý của bến nổi cho cảng vụ quản lý.

Vì vậy, cảng vụ cũng chưa thể tiến hành kiểm tra các tàu, bè, phương tiện cẩu của Bến nổi Nam Phong có đủ số lượng và có đủ đăng kiểm hay chưa. Cũng theo ông Lý, bến nổi Nam Phong 1 của Công ty Nam Phong cũng nhiều lần bị ngành chức năng xử phạt do vi phạm các quy định của pháp luật.

Ông Hoàng Minh Toàn- Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, Cục đường thủy nội địa đã đề nghị Sở GTVT tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Cảng vụ ĐTNT khu vực 2, tăng cường kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm quy định của chủ bến, chủ phương tiện. Đồng thời sớm hoàn thiện quy hoạch bến thủy nội địa trình UBND tỉnh phê duyệt. Trước mắt trong thời gian chờ phê duyệt quy hoạch, đề nghị Sở GTVT Phú Thọ tổ chức rà soát các bến hoạt động không phép. Đối với các bến không đủ điều kiện cấp phép hoạt động, đề nghị Sở GTVT phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền có biện pháp giải tỏa.

Diễn biến phức tạp

Báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban an toàn giao thông tỉnh Phú Thọ cho thấy, hiện tại, trên địa bàn tỉnh có tổng số 162 bến bãi hàng hóa, 15 bến nổi và 53 bến khách ngang sông đang hoạt động. Trong số 162 bến hàng hóa có 87 bến đã được cấp phép và 75 bến tự phát không phép. Trong 75 bến không phép thì trên sông Lô có 12 bến, sông Hồng có 16 bến…

Ban an toàn giao thông tỉnh nhận định, tình hình giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đang diễn ra hết sức phức tạp. Một số tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bến thủy nội địa chưa có giấy phép hoạt động theo quy định.

Một số bến có giấy phép tuy nhiên hoạt động chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, còn để các phương tiện hết hạn kiểm định, sử dụng thiết bị xếp dỡ không đảm bảo an toàn kỹ thuật theo quy định, khai thác bến thủy nội địa quá thời hạn cho phép, trang bị không đầy đủ thiết bị phòng cháy, chữa cháy, khai thác bến thủy không đúng mục đích.

Mặt khác, tình trạng hoạt động bến nổi trên sông Lô phía thượng và hạ lưu cầu Sông Lô (huyện Đoan Hùng) có quá nhiều phương tiện thủy nội địa, máy múc tập trung hoạt động sang mạn hàng hóa, cát sỏi, đậu đỗ cả trong phạm vi hàng lang an toàn của cầu, lấn chiếm luồng tuyến, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Tại vị trí gần trụ cầu Sông Lô phía thượng và hạ lưu cầu đang có một số phương tiện neo đậu để sửa chữa không đảm bảo an toàn giao thông…

Cũng theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, trong tổng số 162 bến đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, chỉ có 67 bến đã được đầu tư xây dựng hệ thống nhà làm việc, kho bãi xây dựng kiên cố theo quy định, còn lại 95 bến đều mới chỉ xây dựng tạm, hệ thống nhà làm việc, kho bãi chưa được đầu tư xây dựng.

Nhiều bến chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai như: Tự ý lấn chiếm hành lang đê, hành lang giao thông đường bộ, bờ vở sông để sử dụng làm bãi tập kết vật liệu kinh doanh bến bãi; sử dụng đất vượt mốc giới được giao, xây dựng các công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép trong lòng sông, bãi sông.

Bên cạnh các chủ thể khai thác cát đã được UBND tỉnh cấp phép, vẫn có nhiều chủ thể khai thác cát trái phép vi phạm pháp luật, khai thác bừa bãi theo kiểu “tận diệt” đã làm xói lở đất đai, vườn tược, sạt lở bờ sông nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường, làm thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ATGT đường thủy.

Nhiều đối tượng còn viện cớ tự thuê đất nông nghiệp để mở bến bãi, thực chất là khai thác cát, gây sạt lở bờ sông, uy hiếp đến nhiều công trình đê, kè và nhà cửa, của hàng trăm hộ dân.

Lý giải về tình trạng lộn xộn trên sông, đại diện Cảng vụ ĐTNT Phú Thọ cho rằng, Cảng vụ Phú Thọ chỉ quản lý khu vực bến, cảng và các tàu thuyền ra vào bến. Còn các phương tiện tàu thuyền đi trên sông là do Cảnh sát đường thủy kiểm soát. Việc các bến bãi không phép tràn lan thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền các địa phương xảy ra vi phạm.

Đức Sơn