Thỏa thuận ngừng bắn Syria: Nga - Mỹ bất đồng
Trong bối cảnh đang phải chịu sức ép lớn vực dậy một lệnh ngừng bắn đã đi vào bế tắc ở Syria, Mỹ và Nga trong hôm 23/9 đã miễn cưỡng thông qua việc tổ chức một vòng đàm phán mới với mục tiêu ngừng ngay tình trạng bạo lực ở quốc gia Trung Đông này trong thời gian tới.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) cùng người đồng cấp Mỹ John Kerry thảo luận trong căng thẳng tại New York. (Nguồn: Sputnik).
Sau một cuộc họp căng thẳng kéo dài 2 tiếng 30 phút với các đồng nghiệp tại New York, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố rằng họ nhất trí sẽ đàm phán lần nữa nhằm tạo ra một bước đột phá mới. Tuy nhiên, bất đồng xung quanh các diễn biến mới đây, trong đó gồm việc quân đội chính phủ Syria mở đợt tấn công mới vào Aleppo, cho thấy hy vọng là rất mong manh.
“Chúng tôi không thể đi ra đó và nói rằng chúng tôi có một thỏa thuận trong khi chúng tôi không có” – ông Kerry nói sau cuộc họp với ông Lavrov cùng nhiều nhà ngoại giao hàng đầu đến từ nhiều quốc gia Trung Đông và châu Âu.
Tuyên bố của ông Kerry, được đưa ra 3 ngày sau hàng loạt các cuộc làm việc ngoại giao bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ, đã phản ánh một kết thúc ảm đạm của một tuần làm việc mà giới ngoại giao từng hy vọng sẽ đạt bước tiến mới hướng tới hòa bình.
Trong khi đó, ông Kerry và ông Lavrov, những người đã đàm phán để đưa ra thỏa thuận ngừng bắn cách đây 2 tuần lễ, lại đưa ra mỗi người một quan điểm trong khi tình trạng bạo lực ở Syria bùng phát trở lại và mối quan hệ của hai cường quốc đóng vai trò chính trong cuộc xung đột ở nước này dường như đang xuống mức thấp chưa từng có.
Kết quả là, không ai trong số họ đề cập tới khả năng thiết lập lại thỏa thuận ngừng bắn. Và dù hứa hẹn sẽ tiếp tục đàm phán, nhưng giới quan sát tin rằng sẽ không có thỏa thuận nào được đưa ra.
Trong lúc các nhà ngoại giao đang hối hả đàm phán ở New York, thì ở Syria, quân đội chính phủ nước này cho hay sẽ sớm khởi động lại các chiến dịch tấn công vào phía Bắc thành phố Aleppo, nơi được xem là điểm nóng chiến sự trong nhiều tháng gần đây.
Sau khi đọc được thông tin trên từ chiếc điện thoại di động của mình, ông Kerry đã tỏ ra rất tức giận và thông báo tin này cho toàn bộ những người có mặt trong phòng họp: “Thậm chí ngay trong lúc chúng ta đang họp ở đây, họ vẫn đang làm điều này”.
“Chúng tôi không thể là những người duy nhất giữ cho cánh cửa này rộng mở” – ông Kerry nói trước báo giới Mỹ - “Nga và chính quyền Syria cũng cần phải thực hiện phần của họ hoặc sẽ không còn cơ hội nào nữa”.
Được biết, ông Kerry đã kêu gọi Syria lập tức ngừng ngay các hoạt động của máy bay và trực thăng chiến đấu đang tham gia không kích, bao gồm cả 1 máy bay của Nga mà phía Mỹ cho rằng đã không kích trúng đoàn xe viện trợ của LHQ hồi đầu tuần, khiến 20 người thiệt mạng. Nga đã bác bỏ cáo buộc này.
Cuộc họp giữa Ngoại trưởng Nga và Mỹ diễn ra sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad nói với hãng thông tấn AP từ Damascus rằng Mỹ chính là bên phải chịu trách nhiệm cho thỏa thuận ngừng bắn bị đổ vỡ.
Ông Assad chỉ ra sự bất lực của Mỹ trong việc kiểm soát các tổ chức “khủng bố” là nguyên nhân của một vụ tấn công hồi cuối tuần trước khiến hàng chục binh sỹ Syria thiệt mạng. Phía Mỹ sau đó đã lên tiếng xin lỗi vì hành động mà họ mô tả là sự nhầm lẫn.
Ngoại trưởng Nga Lavrov hiện đang tìm cách ngừng chiến sự trong vòng 3 ngày để tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn mới. Tuy nhiên, giới chức Mỹ nói rằng điều đó sẽ không có tác dụng gì bởi phe nổi dậy sẽ bị ép phải ngừng bắn, trong khi quân đội Nga và Syrai vẫn vi phạm thỏa thuận này.
Hiện, ông Kerry đang liên tiếp yêu cầu phía Nga cần phải đưa ra các bước đi mới khác với các thỏa thuận trước đó để tạo động lực mới cho tiến trình đàm phán, trong khi ông Lavrov vẫn thúc đẩy tất cả các bên cam kết lại thỏa thuận ngừng bắn được ký kết vào ngày 9/9 vừa qua.
Mỹ dường như cũng đang có ý đưa ra “tối hậu thư” cho Nga rằng thỏa thuận chỉ đạt được nếu Nga chấp nhận ngừng tất cả các cuộc không kích ở Syria trong một khoảng thời gian nhất định.
Ý kiến này tuy nhiên lại bị một số nước ủng hộ chính quyền Assad tham dự cuộc họp ở LHQ bác bỏ, trong đó Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng ngừng toàn bộ chiến dịch không kích ở Syria là hành động hỗ trợ cho “những kẻ khủng bố”.