Áp dụng mô hình toán dự báo lũ khu vực hạ lưu khi có bão: Tăng cường năng lực dự báo lũ
Với mô hình toán học kết hợp với GIS (thông tin địa lý) và viễn thám đã đưa ra các kết quả chính xác về lượng lũ và nguy cơ lũ đổ về hạ du.
Đề tài “Nghiên cứu phương pháp dự báo biên triều cho các cửa sông, lấy thí điểm sông Hồng - Thái Bình”, do Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Thủy văn biển thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thực hiện, nhằm dự báo chính xác khả năng xảy ra lũ đối với hạ lưu khi có bão.
PGS.TS Dương Hồng Sơn- Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, một trong những mục tiêu của “Chiến lược Quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020” đã đặc biệt nhấn mạnh việc nâng cao năng lực dự báo bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, báo tin động đất, cảnh báo sóng thần và các hiện tượng khí tượng, thuỷ văn nguy hiểm.
Trong đó, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo đối với sông Hồng - Thái Bình, tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo lũ cho Đồng bằng sông Hồng, là những chương trình cấp bách phải được thực hiện, nhất là khi biến đổi khí hậu diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
Cảnh báo lũ chính xác sẽ giúp giảm thiệt hại về người và của và ở đây công tác ứng phó kịp thời là yếu tố tiên quyết.
“Trước đây, cảnh báo lũ dựa trên biên mực nước phía dưới các cấp cảnh báo hoặc sử dụng hằng số điều hòa tại các trạm thủy văn ở cửa sông để dự báo mực nước, hoặc được tính từ phương trình tương quan giữa mực nước tại các trạm thủy văn với mực nước tại trạm hải văn cơ bản. Tuy nhiên, các phương pháp này chứa đựng nhiều sai số, đặc biệt trong các thời kỳ mà ảnh hưởng của triều cường là nhỏ. Tương tự như vậy, phương pháp áp dụng các mô hình không gian 2 - 3 chiều để mô phỏng, dự báo mực nước song cũng chỉ chủ yếu để dự báo mực nước ven biển, tại khu vực cửa sông, nơi địa hình phức tạp và đương bờ chia cắt mạnh, không dự báo được. Do vậy, việc xây dựng một bộ công cụ hoàn chỉnh có thể dự báo mực nước tại các cửa sông, đặc biệt, tại các cửa sông thuộc hệ thống sông Hồng - Thái Bình một cách nhanh chóng, thuận tiện và có thể dự báo tốt trong cả trường hợp các dao động mực nước tuần hoàn và phi tuần hoàn chính là mục tiêu của Đề tài”, PGS.TS Sơn nhấn mạnh.
Trên thực tế phương pháp mô hình toán đã và đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực tài nguyên môi trường.
Trong dự báo lũ, bản chất là xây dựng hoặc ứng dụng các mô hình toán học để mô phỏng các quá trình động lực biển, các quá trình tương tác khí quyển và đại dương, các quá trình biến đổi của các trường khí tượng trên biển... từ đó xây dựng mô hình, hiệu chỉnh xác định thông số của mô hình và cuối cùng là ứng dụng mô hình để đánh giá, dự báo.
Phương pháp này cũng sẽ được kết hợp với GIS (thông tin địa lý) và Viễn thám, được phân tích, xử lý, tính toán để có được các dạng dữ liệu phù hợp cho đầu vào của các mô hình toán cánh báo lũ chính sách
Theo ông Sơn, hiện nay sau 2 năm nghiên cứu, Đề tài đã hoàn thiện Bộ số liệu về khí tượng, hải văn tại các trạm hải văn, Bộ số liệu về mực nước tại các trạm khảo sát bổ sung trong 7 ngày, Bộ thông số mô hình dự báo mực nước triều cho các vùng cửa sông, Bộ hằng số điều hòa tại các cửa sông thuộc hệ thống sông Hồng - Thái Bình…
Các kết quả dự báo từ mô hình và từ phân tích điều hòa cho thấy sự tương đồng cao giữa thực tiễn và kết quả đo được từ mô hình toán học thực hiện.
Kết quả của Đề tài đã thực sự bổ sung thêm nguồn số dữ liệu và phương pháp dự báo hiện đại, khách quan góp phần dự báo chính xác hơn mực nước triều, trong đó có dự báo cho lũ trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình.
Sự chính xác của kết quả dự báo lũ đổ về hạ du sẽ giúp cho các địa phương kịp thời ứng phó đúng nơi đúng việc, giảm sâu các thiệt hại về con người và của cải.
Từ Đề tài với dự báo lũ sông Hồng – Thái Bình, trong thời gian tới, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu sẽ áp dụng các mô hình toán học để xây dựng cơ sở dữ liệu dự báo trên hệ thống các sông khác như sông Thao, sông Mã, sông Thương… trên toàn quốc.
Lũ, lũ quét, “kẻ thủ” nguy hiểm với địa bàn hiểm trở và phức tạp tại Việt Nam hàng năm cướp đi nhiều sinh mạng và nhiều tỷ đồng thiệt hại.
Theo số liệu thống kê, trong 15 năm trở lại đây, toàn quốc đã xảy ra 250 đợt lũ, lũ quét àm chết và mất tích gần 700 người, bị thương gần 400 người; hơn 10.000 căn nhà bị đổ trôi, hơn 100.000 căn nhà bị ngập, hư hại nặng, hơn 75.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, hàng trăm ha đất canh tác bị vùi lấp, nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi, dân sinh kinh tế bị hư hỏng nặng nề.
Tiêu diệt “giặc” lũ, cần thêm nữa các công trình khoa học, ứng dụng phù hợp với đặc điểm từng địa phương tại Việt Nam.