Ở hay về?

Hồng Minh 25/09/2016 13:45

Nhiều hôm từ giảng đường trở về, tôi cứ lang thang trên những con đường ở NewYork, tự trách bản thân đã phản bội lại ước mơ của chính mình - Ước mơ được trở lại ngôi trường Bách Khoa thân yêu để truyền đạt kiến thức cho các thế hệ học trò.

Anh Thụy Bình thân,

Tôi viết thư này gửi cho anh mà trong lòng vẫn còn nhiều băn khoăn, ở hay về với tôi lúc này vô cùng khó xử bởi hôm qua lại nhận được lời mời của một trường ĐH ở TP HCM.

Là người Việt ai cũng muốn được đóng góp công sức, trí tuệ của mình góp phần dựng xây đất nước, đó là ý thức cũng là niềm tự hào trong mỗi người. Thế nhưng ai cũng thế anh Bình ạ, đứng giữa lựa chọn, một là chế độ đãi ngộ tốt, môi trường làm việc hiện đại và một là sự cống hiến hết mình để nhận về những đồng lương khiêm tốn với nhiều những băn khoăn khó tỏ tưởng có lẽ anh cũng sẽ thông cảm cho tôi thôi.

Anh biết không, gần 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài thì có trên 400 nghìn người có trình độ đại học trở lên. Trong số đó có nhiều người là chuyên gia giỏi thuộc các lĩnh vực khác nhau đang làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu hoặc các công ty lớn ở nước ngoài. Họ đã có những cống hiến quan trọng cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được các nước sở tại công nhận và tôn vinh. Tôi cũng có dịp trò chuyện với một số người, sẻ chia những tâm tư nỗi niềm và hầu như chúng tôi đều có một sự đồng cảm như đã chia sẻ với anh ở trên.

Cụ thể là trường hợp của Việt – một trí thức trẻ đang làm việc tại Australia. Anh bảo sau khi học xong đại học ở Úc rất muốn mang những kiến thức đã học cùng những trải nghiệm ở đất nước này về đóng góp cho Tổ quốc.

Tuy nhiên, sau khi về Việt Nam làm việc một thời gian, Việt đã phải quay lại Úc bởi thấy mình không hòa nhập được vào môi trường làm việc ở quê nhà. Chưa đề cập đến chuyện lương bổng bởi vì điều kiện của gia đình anh rất khá, nhưng một số việc cứ phải chạy theo đường vòng hay thiếu minh bạch, còn nặng về cơ chế “xin-cho” đã làm suy giảm quyết tâm cống hiến hết mình cho nền khoa học nước nhà của anh.

Cũng giống như Việt, hiện nay có nhiều trí thức trẻ ở nước ngoài luôn theo dõi sự phát triển ở trong nước, trăn trở muốn được cống hiến tài năng, trí tuệ của mình cho nền khoa học nước nhà-những suy nghĩ rất đáng trân trọng phải không anh? Thế nhưng, thật đáng tiếc là vẫn chưa có một chế độ đãi ngộ cùng môi trường làm việc đủ để giữ chân họ lại. Và thực tế, đã có nhiều trường hợp quay lại như câu chuyện của anh Việt.

Anh Thụy Bình à,

Nhiều hôm từ giảng đường trở về, tôi cứ lang thang trên những con đường ở NewYork, tự trách bản thân đã phản bội lại ước mơ của chính mình - Ước mơ được trở lại ngôi trường Bách Khoa thân yêu để truyền đạt kiến thức cho các thế hệ học trò.

Thế nhưng, cũng vì hai tiếng mưu sinh, muốn được bù đắp lại cho gia đình sau bao năm họ thầm lặng hy sinh để mình yên tâm mang về tấm bằng Phó giáo sư danh giá, mà tôi đã nhận lời ở lại giảng dạy tại một trường đại học ở Mỹ.

Nói vậy là để chia sẻ với anh phần nào nỗi niềm của một người trí thức như tôi. Mỗi ngày đứng trên giảng đường, tôi cứ thầm nghĩ giá như ở dưới kia những cô cậu học trò Việt, giá như mình đang vun trồng, cắp cánh cho những ước mơ của người Việt…thì niềm vui sẽ trọn vẹn hơn anh nhỉ? Thư cũng đã dài, tôi sẽ trao đổi thêm về vấn đề này sau nhé!

Hồng Minh