Ghép đầu người-viễn tưởng hay khả thi?

Khánh Duy 25/09/2016 14:50

Nhà giải phẫu thần kinh gây tranh cãi nhất trong giới y học hiện nay bác sỹ Sergio Canavero, người có dự định thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên trong lịch sử nhân loại, mới đây còn tuyên bố rằng sẽ thực hiện các thí nghiệm “điên rồ” nhất là làm cho thi thể người chết cử động lại để thử kỹ thuật của mình.

Ghép đầu người-viễn tưởng hay khả thi?

Giới khoa học thế giới so sánh bác sỹ Canavero với bác sỹ Frankenstein trong tác phẩm kinh điển.
(Nguồn: Dailymail).

Hồi sinh xác chết

Bác sỹ Sergio Canavero-Giám đốc của Tổ chức Turin Advanced Neuromodulation, cùng các cộng sự tin rằng họ hoàn toàn có thể thực hiện ca phẫu thuật ghép đầu người trong năm tới. Nhóm này đã lên kế hoạch thử nghiệm xem liệu họ có thể nối lại tủy sống của một chiếc đầu người với một cơ thể khác và sau đó kích hoạt lại hệ thần kinh của thi thể người mới chết bằng xung điện hay không.

Tuy nhiên, một công dân Nga trước đó từng đăng ký tự nguyện tham gia ca ghép đầu người này mới đây lại cho hay bạn gái của anh phản đối việc anh tham gia vào ca phẫu thuật này.

Theo nhóm của ông Canavero, mục tiêu của ca phẫu thuật đầy táo bạo này là cắt dây tủy sống, nối lại nó vào cơ thể mới và sau đó sử dụng điện hoặc từ trường để “kích hoạt lại” hệ thống thần kinh và thậm chí là cả khả năng chuyển động của một thi thể người.

Trong một bài viết cho tổ chức Giải phẫu thần kinh quốc tế, bác sỹ Canavero cùng cộng sự của ông ở Hàn Quốc và Trung Quốc đã nêu ra một câu chuyện giả tưởng nỗi tiếng kể về bác sỹ kinh dị Frankenstein, nhân vật đã sử dụng điện để làm sống dậy một thi thể người đã chết.

Canavero cũng chỉ ra các thí nghiệm được thực hiện trong những năm 1800, trong đó sử dụng thi thể của những kẻ tội phạm bị treo cổ, như một bằng chứng cho thấy thí nghiệm của ông có thể thành công.

Ông Canavero cùng các cộng sự từng nói: “Một tử thi còn tươi có thể đóng vai trò như sự thay thế cho một vật thể còn sống miễn là nó chưa bị để quá vài giờ đồng hồ. Điều này cũng có nghĩa rằng quá trình phân rã sau khi chết không xảy ra lập tức. Chúng tôi đặ tên cho hiệu ứng này là “Hiệu ứng Frankenstein””.

Tuyên bố được đưa ra sau khi bác sỹ Canavero cùng các cộng sự công bố kết quả các cuộc thí nghiệm mà trong đó cho thấy họ có thể nối lại dây tủy sống của một chú chó sau khi bảo quản nó. Một số bản ghi chép của thí nghiệm này cho thấy chú chó có thể đi lại và vẫy đuôi được sau 3 tuần bị liệt từ cổ trở xuống.

Canavero tin rằng kỹ thuật mà ông đã áp dụng với chú chó, có tên kỹ thuật nối tủy sống GEMINI, hoàn toàn áp dụng được với con người. Kỹ thuật này cũng có thể giúp nối một chiếc đầu người với cơ thể của một người hiến tặng, giúp cho một bệnh nhân mắc chứng bại liệt có thể hoạt động bình thường trở lại.

Ghép đầu người-viễn tưởng hay khả thi? - 1

Chú chó được nối dây tủy sống thành công ở Hàn Quốc (Nguồn: Dailymail).

Ca ghép đầu người đầu tiên trong lịch sử nhân loại

Valery Spiridonov, một lập trình viên 30 tuổi người Nga bị mắc một dạng teo cơ có tên gọi Weirdnig-Hoffman, đã từng tuyên bố tình nguyện tham gia ca phẫu thuật ghép đầu của Canavero.

Tuy nhiên, ca giải phẫu này đã phải đối mặt với rất nhiều sự hoài nghi bởi cộng đồng khoa học thế giới, những người cảnh báo rằng các thí nghiệm trên động vật chưa thể chứng tỏ được rằng ghép đầu cũng áp dụng được với con người. Thêm vào đó, hiện người ta vẫn chưa rõ chi tiết cụ thể về việc làm thế nào để bảo quản tủy sống của chó trước khi được xử lý và nối lại với phần thân.

Tuy nhiên, Canavero vẫn một mực khẳng định rằng ông hoàn toàn có thể áp dụng kỹ thuật trên với người, tuyên bố rằng các cuộc thử nghiệm đầu tiên sẽ được thực hiện trên cơ thể những người bị chết não hiến tặng để ông có thể bảo quản tủy sống của họ, xử lý và để xem nó có thể được phục hồi hay không.

Canavero tin rằng các kỹ thuật như dùng điện để kích hoạt lại chuyển động của cơ thể thông qua dây tủy sống hay sử dụng từ trường đối với não, có thể giúp kích hoạt lại hoạt động của hệ thần kinh sau ca nối dây tủy sống. Theo ông, sau khi dây tủy sống được nối lại, các kỹ thuật trên có thể làm sản sinh các xung điện nhỏ trong các dây thần kinh ở ngay điểm mà dây tủy sống được nối.

Lần đầu tiên Canavero tuyên bố kế hoạch ghép đầu người - hoặc thân thể - là vào năm 2013 và tới năm 2015, ông cho rằng các thách thức liên quan đến ca ghép đầu có thể được khắc phục. Cùng với các cộng sự ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ, Canavero đã thành lập một quỹ mạo hiểm có tên HEAVEN để pháp triển các kỹ thuật cần thiết để thực hiện ca phẫu thuật trên.

Thí nghiệm thành công trên động vật

Hồi đầu năm 2016, Canavero cho hay các nhà khoa học ở Trung Quốc đã thực hiện thành công ca ghép đầu khỉ, khi họ nối lại được hệ thống cung cấp máu giữa phần đầu và phần thân mới. Tuy nhiên, họ lại không nối lại được dây tủy sống nên con vật này không thể di chuyển trở lại.

Bác sỹ Xiao Ping-ren, nhà phẫu thuật thần kinh ở Trung Quốc thực hiện ca phẫu thuật trên, sau đó nói rằng sẽ phải mất thêm thời gian để việc ghép đầu người được hiện thực hóa.

Hồi năm ngoái, bác sỹ Xiao từng nói rằng các thí nghiệm ghép đầu chuột của ông có tỷ lệ sống sót đạt khoảng 30-50%. Trả lời phỏng vấn Xinhuanet.com, ông cho hay một số cá thể sống được khoảng vài giờ, có cá thể sống lâu nhất là một ngày.

Trong khi đó, trong một loạt báo cáo được tạp chí Giải phẫu thần kinh Quốc tế đăng tải, các nhà nghiên cứu ở Hàn Quốc và Mỹ đã thực hiện thành công phẫu thuật nối tủy sống trên chuột và chó.

Bác sỹ C-Yoon Kim- chuyên khoa phẫu thuật thần kinh tại ĐH Konkuk ở Seoul (Hàn Quốc), người hiện đang hợp tác với ông Canavero, đã bảo quản dây tủy sống của 16 con chuột. Sau đó, họ bơm một chất hóa học có tên gọi Polyethylene glycol (PEG) vào phần nối dây tủy sống. Sau 4 tuần, 5 trong số 8 con chuột được tiêm PEG bắt đầu chuyển động được đôi chút, nhưng 3 con bị chết. Những con chuột không được tiêm PEG cũng bị chết.

Các cuộc thử nghiệm tương tự sử dụng một phiên bản cải tiến hơn của PEG được thử nghiệm trên 5 con chuột khác có dây tủy sống được bảo quản. Các nhà khoa học Hàn Quốc sau đó cho thấy có tín hiệu hệ thống thần kinh của chúng hoạt động trở lại. Tuy nhiên, do một sự cố khiến 4 trong số 5 con chuột này bị chết nên họ không thể theo dõi xem liệu chúng vận động trở lại được không.

Trong thí nghiệm cuối cùng, nhóm khoa học Hàn Quốc đã thử nghiệm PEG trên một chú chó sau khi dây tủy sống của nó gần như hoàn toàn được bảo quản. Họ cho hay 90% dây tủy sống của nó đã được bảo quản thành công. Kết quả là, chú chó đã cử động được các chi sau 3 ngày, và sau 3 tuần đã có thể đi lại và vẫy đuôi.

Giới phê bình cho rằng kế hoạch ghép đầu của Canavero là “hoàn toàn viễn tưởng”. Vị chuyên gia người Italy còn bị so sánh với nhân vật trong bộ phim kinh dị kinh điển, bác sỹ Frankenstein.

Phỏng vấn với kênh ITV của Anh mới đây, bác sỹ Canavero nói rằng đội ngũ của ông sẽ thử nghiệm ghép đầu người trên cơ thể người chết trước khi thực hiện ca phẫu thuật ghép đầu người đối với người tình nguyện Valery Spiridonov. Canavero nói rằng sẽ chỉ thực hiện ghép đầu người khi bệnh nhân có 90% cơ hội sống sót.

Khánh Duy