Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 0,54%

L.Đan 26/09/2016 07:30

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,54% so với tháng 8. Như vậy, CPI tháng 9 đã tăng 3,14% so với tháng 12 năm ngoái, kéo theo CPI bình quân 9 tháng của năm so với cùng kỳ tăng 2,07%.

Theo đó, trong tháng 9, có đến 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá. Nhóm giáo dục tăng mạnh nhất 7,19%; thuốc và dịch vụ y tế tăng thấp nhất 0,02%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%. Nguyên nhân tác động đến mức tăng CPI tháng 9 phải kể đến việc giá dịch vụ giáo dục tăng đồng loạt tại 53 tỉnh, thành phố (theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015) đã làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,19% so tháng trước đó đồng thời đóng góp 0,42% vào mức tăng chung của CPI.

Thêm vào đó, thời tiết trong tháng có mưa nhiều nên giá rau tươi tại các chợ tăng mạnh từ 10% - 15%, bởi nguồn cung hạn chế đã đẩy chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,1% so tháng trước.

Ngoài ra, giá xăng, dầu có 2 đợt điều chỉnh (19/8 và 5/9). Cụ thể giá xăng tăng 1.380 đồng/lít, dầu diezen tăng 720 đồng/lít, khiến chỉ số giá của nhóm giao thông tăng 0,55% đóng góp 0,05% vào mức tăng chung của CPI. Ngoài ra, giá gas điều chỉnh tăng 6.000 đồng/bình 12 kg (từ ngày 1/9) do giá gas nhập khẩu trong tháng tăng 20USD/tấn chốt giá ở mức 307,5 USD/tấn, đã làm cho chỉ số giá gas tăng 0,31% so với tháng trước.

Một yếu tố khác, tháng 9 là tháng học sinh cả nước bước vào kỳ khai giảng năm học 2016 – 2017 nên nhu cầu mua sắm quần áo, mũ nón và giầy dép tăng làm cho chỉ số nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14% so với tháng trước.

Báo cáo tháng 9 cũng chỉ ra, chỉ số giá vàng có mức giảm 0,36% so với tháng trước đó. Sau đợt giá vàng tăng mạnh trong tháng 7 và 8 (vì sự kiện Brexit của nước Anh), giá vàng trong nước tại tháng 9 đã giảm trở lại cùng với diễn biến của giá vàng thế giới. Bình quân giá vàng dao động quanh mức 3,6 triệu đồng- 3,62 triệu đồng/chỉ vàng SJC và giảm 0,34%.

L.Đan