Cựu Thủ tướng Thái Lan bị đề nghị bồi thường 1 tỷ USD
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, người đứng đầu chính phủ bị lật đổ trong năm 2014, đã bị đề nghị phải trả khoản tiền phạt 35 tỷ baht (1 tỷ USD) vì tắc trách trong quá trình quản lý chương trình trợ giá gạo cho nông dân ở nước này lúc còn đương nhiệm.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. (Nguồn: AP).
Mức tiền phạt được đề xuất nói trên có giá trị khoảng 20% của tổng số tiền được coi là thất thu 178 tỷ baht mà chương trình trợ giá gạo của bà Yingluck đã gây ra trong khoảng thời gian 2012-2013 ở Thái Lan.
Một Ủy ban đặc biệt của Bộ Tài chính nước này được chỉ định điều tra vụ việc đã đưa ra đề xuất trên sau khi kết luận bà Yingluck đã lạm dụng quyền lực và tắc trách trong việc quản lý chương trình này khi còn đương nhiệm.
Theo ủy ban trên, họ sẽ gửi báo cáo tới Văn phòng Thủ tướng và Bộ Tài chính, hai cơ quan chịu trách nhiệm tuyên bố các thiệt hại mà chương trình trợ giá của bà Yingluck gây nên, trước khi vụ kiện này hết thời hạn vào tháng 2/2017. Văn phòng Ủy ban Chống Tham nhũng quốc gia hoặc một cơ quan có liên quan sau đó sẽ quyết định xem ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho các thiệt hại còn lại.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết chính phủ phải tiếp tục xử lý vụ việc theo đúng luật pháp trước khi nó hết thời hạn. “Mọi người đều được đối xử công bằng. Tôi không hề thúc đẩy tiến trình xét xử này, mà nó được quy định rõ theo pháp luật”, ông Chan-ocha nói.
Trước đó, đảng Pheu Thái của bà Yingluck đã đề nghị Hội đồng Trật tự và Hòa bình Quốc gia xem xét lại các thủ tục cho phép chính phủ được kiện để đòi bồi thương thiệt hại từ chương trình trợ giá lúa gạo và hủy bỏ việc sử dụng quyền lực đặc biệt theo Hiến pháp. Đảng này cho hay, vụ kiện đã được trình lên Tòa án tối cao và việc các lãnh đạo đưa ra kết luận trước khi tòa tối cao tuyên bố phán quyết của mình là không hợp lệ.
Đảng của bà Yingluck đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2011 phần lớn là nhờ kế hoạch trợ giá lúa gạo đối với hàng triệu nông dân trong nước. Bà từng nói rằng chương trình này sẽ giúp giảm sự bất bình đẳng, trong khi các đối thủ của bà cho rằng nó chỉ gây ra tham nhũng.
Sau khi chính phủ bà Yingluck bị lật đổ hồi tháng 5/2014, bà đã bị buộc tội và bị cấm tham gia chính trị trong 5 năm vì các cáo buộc tham nhũng liên quan tới chương trình trợ giá lúa gạo.