Quản lý tài nguyên nước ĐBSCL: Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Ngày 26/9, tại Cà Mau đã diễn ra Hội nghị về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì.
Theo Bộ TN&MT, vài năm qua, ĐBSCL đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Đặc biệt cuối năm 2015, đầu năm 2016, ĐBSCL đã chịu đợt khô hạn và xâm nhập mặn lớn nhất từ trước tới nay, nuôi trồng thủy sản đều giảm, ước thiệt hại trong 6 tháng đầu năm là gần 4.700 tỷ đồng. Theo dự báo của Bộ KH&ĐT, 45% diện tích toàn vùng có thể bị nhiễm mặn nếu các đập thủy điện đầu nguồn sông Mekong tích nước, không cung cấp đủ nước để đẩy mặn ra biển.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, trước tác động của biến đổi khí hậu, hiện ĐBSCL không còn là miền đất trù phú mang lại sinh kế lâu dài, thuận lợi cho người dân như bao đời nay. Vì vậy, cần thay đổi tư duy phát triển, không thể dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên mà cần dựa vào trí tuệ, tri thức và công nghệ để phát triển bền vững.
Ông Dương Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho hay, là một tỉnh cực nam của vùng ĐBSCL và là tỉnh duy nhất của cả nước có 3 mặt giáp biển, với hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt hơn 10 nghìn km và có rất nhiều cửa sông với 87 cửa sông thông ra biển, cửa biển, Cà Mau rất dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu và chịu tác động kép của biển đổi khí hậu và các hoạt động tại khu vực thượng nguồn sông Mekong.
Tuy nhiên, theo ông Bình, Cà Mau đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả để thích ứng với tình hình mới như mô hình nuôi xen canh các đối tượng trong cùng diện tích như tôm cua kết hợp luân canh tôm- cá (cá kèo, cá chẻm), nuôi thủy sản mặn lợ (cá bống mú); mô hình cho thuê bảo vệ rừng kết hợp nuôi ốc len trong khu vực rừng phòng hộ ven biển…
Còn GS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, sự khan hiếm nước ngọt và những tình huống cực đoan sẽ xảy ra nhiều hơn với cường độ mạnh hơn so với dự báo. Ông Trân cho rằng cần phải học cách chung sống với nước mặn, xem nước mặn và lợ là một dạng tài nguyên cần được khai thác; Biến thách thức mặn thành lợi thế của vùng đất duy nhất trong lưu vực tiếp giáp với biển; khắc phục bất cập trong quản lý nước là điều kiện tiên quyết để ĐBSCL đi tới…
Còn chuyên gia sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, không cần làm các công trình lớn ngăn mặn vì nếu làm sẽ tạo ra tác động ngược khi mà chế độ “nước lớn”, “nước ròng” đã hình thành ra hệ sinh thái giữa đất liền và biển, tạo nên vùng đồng bằng phì nhiêu như ĐBSCL.
Nếu các sông, kênh lớn bị chặn lại thì gây ra hiện tượng tù đọng, ô nhiễm, mặn không ra mặn, ngọt không ra ngọt, cá tôm không sống được và mất hết các nét văn hóa của vùng. Ông Thiện cho rằng, trước khi tiến hành các công trình lớn thì nên nghiên cứu kỹ bài học “được và mất” của công trình cống- đập Ba Lai khi ngăn dòng Ba Lai, 1 trong 8 cửa sông chính của ĐSBCL.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: Cập nhật kịch bản BĐKH là rất quan trọng, có thể cập nhật tới cấp huyện và tích hợp các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Đối với các giải pháp công trình thì có loại không thể không làm như cống kiểm soát mặn và trữ ngọt Cái Lớn- Cái Bé vì liên quan tới kiểm soát, bảo đảm trữ ngọt cho cả Cả Màu, Hậu Giang, Kiên Giang...
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT tổng hợp ý kiến để báo cáo Ban Bí thư, Thủ tướng, Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương và kèm theo kiến nghị cụ thể; chủ trì xuất bản kỷ yếu của Hội nghị này; Bộ TN&MT Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN cần căn cứ vào kết quả tại hội thảo để cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, hoàn thiện các quy hoạch tổng thể, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội trong đó chú trọng phát triển độ thị, công nghiệp hóa, nông nghiệp. Các chương trình, dự án tận dụng được cơ hội, hạn chế thách thức để phát triển…