Truy trách nhiệm
Làm rõ trách nhiệm cá nhân luôn là vấn đề mang tính thời sự trong sự vận hành của bộ máy hành chính, đặc biệt là khi xử lý các sai phạm nảy sinh. Trách nhiệm cá nhân mập mờ dễ tạo nạn đùn đẩy công vụ. Khó quy kết trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra hậu quả tiêu cực là chứng bệnh kéo dài trong nỗ lực cải cách, kiến tạo nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp hiện nay.
Ảnh minh họa.
Phải nói rằng công cuộc cải cách thủ tục hành chính, trong đó lấy cải cách thủ tục trong 8 lĩnh vực liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp và người dân làm khâu đột phá, đến nay đã đạt được những thành tựu nhất định.
Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp được cải thiện trong các lĩnh vực thành lập và đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, cấp phép xây dựng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đô thị, cấp phát vốn ngân sách nhà nước, khiếu nại tố cáo, công chứng, hộ tịch, hộ khẩu.
Tuy nhiên, tâm lý xã hội vẫn chưa hết ám ảnh về bóng dáng tiêu cực thấp thoáng ở các cơ quan công quyền khi cần giao dịch ở rất nhiều lĩnh vực.
Đơn cử như sau khi bãi bỏ hàng trăm giấy phép con trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thì lại xuất hiện hàng loạt loại giấy phép mới như đã từng xảy ra. Nhiều thủ tục gây phiền hà cho dân vẫn tồn tại, phát sinh biến tướng. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dựng đất và sở hữu nhà ở có thể coi là một ví dụ.
Nếu trước đây chỉ cần một loại giấy do một cơ quan nhà nước cấp thì quá trình cải cách lại có hiện tượng muốn chia ra thành ba loại giấy do ba cơ quan nhà nước khác nhau quản lý, với lý do là như vậy Nhà nước mới dễ quản lý. Thực chất đây là sự tồn tại tư tưởng muốn dành thuận lợi cho sự quản lý nhà nước, đẩy khó khăn, phiền hà cho dân.
Dịch vụ công chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân và giới doanh nghiệp. Hiện tượng tham nhũng vặt, hạch sách, thái độ thờ ơ của cán bộ, công chức đối với công việc của dân còn nặng nề. Xã hội vẫn chưa thể hoàn toàn nói không với cơ chế “xin-cho”. Chuyện doanh nghiệp và người dân phải “bôi trơn” cho được việc khi làm thủ tục vẫn còn khá quen thuộc.
Có thể nói, đầy rẫy dữ liệu được minh bạch ở các diễn đàn chính trị, pháp lý, hành chính cho thấy sự hạn chế, yếu kém phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức là trở lực lớn làm cho các thủ tục hành chính mới khó đi vào cuộc sống, dễ bị nhiều biến tướng, méo mó.
Những tồn tại này có nhiều nguyên nhân, nhưng có tác nhân từ tình trạng không rõ trách nhiệm cá nhân ở nhiều cấp độ trong bộ máy hành chính. Từ nhiều năm nay, người dân đã rất quen với hiện tượng mù mờ trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức mỗi khi gặp tình huống bị cản trở quyền được phục vụ hành chính bảo đảm chất lượng.
Sự bức xúc, đòi hỏi quy kết trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cũng thường dễ thấy ở hầu hết các diễn đàn chính trị, pháp lý liên quan, hoặc khi xem xét xử lý các vụ việc sai phạm, tiêu cực.
Mới đây nhất, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Thành ủy TP Hồ Chí Minh cuối tuần qua, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã nêu quyết tâm thực hiện cải cách hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế đồng thời tiếp tục nhấn mạnh đến giải pháp đề cao trách nhiệm cá nhân.
Đây chính là điểm mấu chốt nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, bên cạnh tăng cường phân cấp, ủy quyền và xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công chức trong giải quyết công việc được phân công. Trách nhiệm cá nhân rõ ràng là cơ sở cho từng công chức ý thức được bổn phận phục vụ người dân và doanh nghiệp trong từng công việc cụ thể.
Ở bình diện của cả một cơ quan, đơn vị, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách cần gắn liền những quy định chặt chẽ về trách nhiệm đối với người phụ trách, người đứng đầu cho đến từng mắt xích công vụ. Thiết nghĩ, đó là chìa khóa để mở ra cánh cửa trách nhiệm cá nhân cụ thể, bỏ vấn nạn bất cập khi xảy ra những tình huống tiêu cực, hậu quả thấy rất rõ nhưng cuối cùng không ai phải chịu trách nhiệm.
Yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân đặt ra cho nền hành chính nước ta những nhiệm vụ to lớn và cấp bách trong tổ chức và hoạt động theo hướng pháp quyền. Không chỉ yêu cầu cải cách nền hành chính theo hướng xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo đúng nguyên tắc mà còn là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh, có đủ phẩm chất và năng lực công tác để họ thực sự trở thành công bộc của dân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển đất nước.
Điều đó, chỉ có thể được hiện thực hóa trên nền tảng xây dựng, hoàn thiện cơ chế xác định rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong từng cơ quan, đơn vị của cả hệ thống. Việc xác định rõ trách nhiệm cá nhân, quy kết đúng trách nhiệm ắt sẽ thúc đẩy sự chuyển động tích cực của từng mắt xích công vụ và của cả nền hành chính phục vụ nhân dân.