Cấm xe tự chế thay vì hạn chế xe cá nhân

Lê Anh Đức 27/09/2016 10:10

Thay vì việc đưa ra một đề xuất bất khả thi là cấm phương tiện cá nhân lưu hành trong nội đô thì trước mắt hãy làm nghiêm quy định cấm các loại xe xích lô, xe lôi, xe tự chế 3, 4 bánh... thì cũng đã giảm thiểu rất nhiều áp lực giao thông.

Các xe tự chế 3, 4 bánh nghênh ngang chở hàng hóa cồng kềnh trên đường.

Trong vòng 3 ngày (23 đến 25/9), trên địa bàn Thủ đô liên tiếp xảy ra 2 trường hợp tử vong do xe chở tôn.

Giả dụ là người bán tôn hay thợ lợp mái nhà chẳng may bị tai nạn lao động do tôn thì đã là chuyện khó có thể chấp nhận được rồi, đằng này những người đi đường lại phải chết bất đắc kỳ tử vì những thứ chẳng liên quan gì đến nghề nghiệp của họ thì quả thật là vô cùng oan uổng. Đau lòng ở chỗ là cái chết của họ lại do sự nửa vời trong việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng.

Ai có thể không đau xót khi nghe tin một cháu bé mới có 9 tuổi đang trên đường đi học thì bị những tấm tôn nghênh ngang trên một chiếc xích lô cứa cổ chết? Ai có thể bình tâm không bức xúc trước việc một bà lão gần tuổi thất thập cổ lai hy bỗng nhiên chết thảm vì một chiếc xe máy kéo xe bò chở tôn?

Những người gây ra hậu quả bi thảm đó đương nhiên là sẽ phải chịu trách nhiệm với gia đình nạn nhân, với pháp luật. Song, trách họ một thì phải lên án việc buông lỏng quản lý trong việc kiểm soát giao thông của các cơ quan chức năng mười.

Như vậy sẽ có ý kiến cho rằng ai làm người nấy chịu chứ sao lại đổ lỗi cho các cơ quan chức năng? Vấn đề ở đây không phải là ai đổ lỗi cho ai, mà các cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý trật tự đô thị, giao thông..., nhất là mỗi cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về vấn đề trên hãy tự thấy trách nhiệm và nên biết hối hận trước cái chết oan uổng của người dân. Nếu thực sự họ có trách nhiệm, làm hết chức trách được giao thì có lẽ đã không xảy ra 2 cái chết đau lòng nói trên.

Đó là nói về tình, về nhân cách! Còn bây giờ nói về luật! Tại Luật Giao thông đường bộ, cũng như các nghị định, thông tư hướng dẫn đều cấm các hành vi đi xe máy mà kéo hoặc đẩy các loại phương tiện khác.

Cũng tại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật Giao thông đường bộ có quy định kích thước chiều ngang, chiều dài, chiều cao của các loại phương tiện tham gia lưu thông trên đường. Vậy thì tại sao một chiếc xe máy lại kéo theo một chiếc xe bò chở tôn có thể nghênh ngang diễu phố mà không hề bị phát hiện và xử lý?

Còn nhớ, từ cuối năm 2007, Chính phủ cũng đã có quy định cấm các loại xe tự chế lưu hành trên toàn quốc bắt đầu từ 1/1/2008.

Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm ngừng kiểm định đối với các loại xe cơ giới 3 bánh từ 1/5/2008. Tiếp đó, năm 2010 UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 09/2010/QĐ-UBND cấm lưu hành các loại xe lôi, xe xích lô, xe kéo đẩy tay, xe súc vật kéo... (trừ xe xích lô phục vụ du lịch) trên các tuyến giao thông đường bộ trên địa bàn TP Hà Nội, đặc biệt là các khu đông dân cư.

Cho đến nay, các văn bản mang tính quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ GTVT và của UBND TP Hà Nội vẫn còn nguyên giá trị vì chưa có bất cứ văn bản nào “tuyên hủy”. Vậy nhưng từ đó đến nay, lực lượng TTGT, CSGT, cũng như các cấp chính quyền địa phương hầu như buông lỏng không kiểm soát hoạt động của các loại phương tiện bị cấm này.

Chính từ việc đánh trống bỏ dùi nên không có gì ngạc nhiên khi chúng ta ra đường vẫn thấy các xe tự chế 3, 4 bánh nghênh ngang chở hàng hóa cồng kềnh trên đường, những chiếc xích lô thay vì chở người để giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của Hà Nội thì lại chở hàng cồng kềnh gây ách tắc và TNGT.

Điều đáng nói là việc buông lỏng hoạt động của các loại xe xích lô, xe tự chế 3, 4 bánh không chỉ khiến môi trường của Thủ đô bị ô nhiễm nghiêm trọng, mà còn cản trở gây ách tắc và tai nạn giao thông. Một thời cũng có một vài ý kiến đưa ra rằng nếu cấm tiệt các loại xe này là đập bể bát cơm của không ít người lao động.

Song, chúng ta hãy nhìn đại cục của cả đất nước, hãy vì một đất nước văn mình không chỉ giàu mà còn xanh, sạch, đẹp, đừng vì một sự ái ngại cho một bộ phận không lớn dân cư mà hy sinh lợi ích chung của cả cộng đồng.

Phải thẳng thắn mà nói với nhau rằng, trong số hàng trăm, thậm chí hàng nghìn xe xích lô, xe tự chế 3, 4 bánh đang lưu thông trên đường thì những người thực sự là thương binh, những người thực sự nghèo khổ có được là bao nhiêu phần trăm?

Thực tế thì không ít xe 3 bánh gắn biển thương binh lại do người hoàn toàn khỏe mạnh, thậm chí chưa từng ở trong quân ngũ 1 ngày sao có thể là “thương binh”?

Trong một xã hội văn minh, hiện đại, muốn hòa nhập quốc tế sâu rộng, thì mỗi cá nhân phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Hành lang pháp lý đã có thì chúng ta hãy cứ theo đó mà tuân thủ và thực hiện.

Nếu thực sự những người thương binh chân chính, những người nghèo yêu nước thì trước hết họ sẽ chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước, họ sẽ không vì lợi ích cá nhân của mình mà cản trở quá trình tiến lên giàu mạnh của đất nước.

Đã đến lúc chúng ta cần nói chuyện và hành xử bằng luật, chứ không thể nhân nhượng mãi. Chẳng phải bao nhiêu năm nay Hà Nội vẫn đang quẩn quanh với bài toán ùn tắc và TNGT đó sao?

Thay vì việc đưa ra một đề xuất bất khả thi là cấm phương tiện cá nhân lưu hành trong nội đô thì trước mắt hãy làm nghiêm quy định cấm các loại xe xích lô, xe lôi, xe tự chế 3, 4 bánh... thì cũng đã giảm thiểu rất nhiều áp lực giao thông.

Nếu thực sự thực hiện được việc đã “quyết” từ cách đây gần 10 năm, mọi việc đều phải theo quy định của pháp luật, tin rằng sẽ không còn những cái chết thương tâm như bị tôn cứa cổ nữa.

Lê Anh Đức