Vấn nạn phân bón giả: Phải triệt tận gốc
Thực trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng hoành hành không những làm méo mó thị trường phân bón, thiệt hại lớn cho bà con nông dân mà còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế nông nghiệp. Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, đã đến lúc, nhà quản lý cần “lành mạnh hóa” thị trường phân bón để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân cũng như ổn định nền kinh tế nông nghiệp.
Vấn nạn phân bón giả vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Ảnh minh họa.
Xử phạt tới 4.000 vụ/năm
Báo cáo của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tại buổi họp báo Hội thảo “Lập lại trật tự thị trường phân bón” diễn ra sáng 26/9 cho hay, số vụ vi phạm phân bón giả, phân bón kém chất lượng bị phát hiện và xử phạt lên tới 4.000 vụ/ năm. Thực trạng phân bón giả, kém chất lượng đã và đang hoành hành lâu nay gây ra những thiệt hại lớn cho bà con nông dân, bên cạnh đó, những tổn thất cho nền kinh tế nông nghiệp cũng không phải là nhỏ.
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các đối tượng làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, nó không chỉ xuất hiện ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, các đại lý mà thực trạng này còn tồn tại ngay ở các phòng kiểm nghiệm, kiểm định… Đó là lý do tại sao, vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngược lại, ngày càng phức tạp hơn.
Những mẫu phân bón rởm được phát hiện.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện cả nước có 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng bán ra trên 48 tỉnh, thành phố. Một số trường hợp điển hình phải kể đến như Công ty TNHH Việt Thái (Đồng Nai), công ty này đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì NPK hàm lượng dinh dưỡng 53% song khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm định, kết quả cho thấy tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ đạt 7,2%.
Trường hợp Công ty Cổ phần quốc tế Đông Trung cũng tương tự, đăng ký hàm lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì NPK là 53%, nhưng tổng hàm lượng dinh dưỡng thực chỉ 8,2%. Đặc biệt. Có công ty hàm lượng dinh dưỡng chỉ đạt 3% như công ty Đông Hải (Đà Nẵng).
Một số công ty còn sản xuất những loại phân bón kém chất lượng đến mức, thành phần chính trong phân bón NPK có tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ đạt 1,9% còn lại là bột đá, vôi...
Theo ông Nguyễn Hạc Thuý, sản xuất kinh doanh phân bón kiểu này, không khác gì đem bán đất cho nông dân, vì bản thân đất tự nhiên ở nước ta rất nhiều vùng tự nó đã có hàm lượng dinh dưỡng tương tự...
Nông dân khổ vì nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn hoành hành.
Nhiều vụ… chìm xuồng
Điều đáng nói, ngay cả các cán bộ xử lý tiêu cực như cơ quan quản lý thị trường, thanh tra nông nghiệp cũng tiếp tay khiến cho vấn nạn này ngày càng trở nên nguy hại và khó xử lý tận gốc.
Dẫn chứng cho thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam đưa ra ví dụ, trường hợp của Công ty Tân Trường Sinh (Hải Dương), Bộ Công an bắt quả tang sản xuất phân bón giả và cơ quan này quyết định khởi tố số 06, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao quyết định số 03 chuyên vụ án hình sự để điều tra, chuyển về công an tỉnh Hải Dương thì vụ án bị… chìm xuồng và cho vào quên lãng.
Đặc biệt, mới đây vụ án Công ty CP Thuận Phong (Đồng Nai), Văn phòng Thường trực 389 quốc gia là đơn vị phát hiện được các tổ chức liên ngành, các Bộ tham gia kiểm tra và đã xã định: 19/29 mẫu phân bón của Công ty Thuận Phong không đạt chuẩn chất lượng. Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có kết luật Công ty này sản xuất kinh doanh phân bón giả… Nhưng thật trớ trêu, trong thời gian hơn một năm, vụ việc chưa được Thủ tướng kết luận thì tỉnh Đồng Nai đã cho dỡ niêm phong và chỉ xử lý hành chính.
Hay như trường hợp 11 trung tâm khảo nghiệm, kiểm định đã cấp khống, cấp sai hàng chục nghìn mẫu phân bón cho hàng loạt các DN để các DN này có cơ hội tuồn hàng chục tấn phân bón giả ra thị trường. Mặc dù vụ việc đã vỡ lở và 11 trung tâm này đều bị tước giấy phép hoạt động, song, vấn đề quan ngại ở đây chính là sự tiếp tay của chính các cơ quan chức năng, chuyên ngành đối với vấn nạn phân bón giả.
Để “nhổ cỏ tận gốc” vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, lành mạnh hóa thị trường để bảo vệ quyền lợi cho người nông dân và các DN làm ăn chân chính, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị, rất cần phải lập lại trật tự đối với thị trường này, bắt đầu từ khâu quản lý. Hiện, hai Bộ (Bộ Công thương và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cùng quản lý lĩnh vực này nên bị chồng chéo. Theo Hiệp hội, chỉ cần một Bộ, hoặc Bộ Công thương, hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý thị trường phân bón mới có thể đem lại hiệu quả.
Không ngại nộp phạt để tiếp tục vi phạm
“Việc hai Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng quản lý một lĩnh vực dẫn đến tình trạng phân công trách nhiệm không rõ ràng, đến khi có sự cố, chẳng ai chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần phải nâng chế tài xử phạt mới có đủ sức răn đe. Trong xử lý vi phạm lĩnh vực phân bón giả, phân bón kém chất lượng, có cả xử lý hình sự và xử lý hành chính. Tuy nhiên, lâu nay, hầu như không thấy vụ việc nào bị xử lý hình sự, chủ yếu xử lý hành chính. Trong khi, lợi nhuận trong lĩnh vực này lại quá lớn, có khi lãi hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Bởi vậy, các đối tượng sẽ không ngại nộp phạt để tiếp tục vi phạm” - Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quỹ chống hàng giả Việt Nam.