Cơ giới hóa nông nghiệp: Điểm nghẽn máy móc
Công nghệ được coi là chìa khóa tái cơ cấu nông nghiệp, là lời giải cho bài toán về an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản... Nhưng chính công nghệ cũng là điểm yếu nhất của nông nghiệp Việt Nam.
Tỉ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp Việt Nam còn thấp.
Gần 70% máy móc nông nghiệp phải nhập khẩu
Một kết quả khảo sát của Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch chỉ ra, máy móc phục vụ cho nông nghiệp chủ yếu có xuất xứ nước ngoài. Xét theo nguồn gốc, các sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)…. chiếm tới gần 70%, trong khi đó sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm một số lượng rất ít ỏi từ 15 – 20%.
Theo ông Bạch Quốc Khang, Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch: Ngành cơ khí trong nước chậm đáp ứng nhu cầu của sản xuất nông nghiệp, nhiều chủng loại máy nông nghiệp đang có nhu cầu lớn như máy cấy, liên hợp… phải nhập khẩu.
Ngoài ra có một điểm đáng lưu ý nữa là có sự chênh lệch tỷ lệ cơ giới hóa còn chênh lệch giữa cây lúa và cây trồng khác. Mức độ trang bị cơ giới hóa không đồng đều giữa các vùng miền, địa bàn, khiến cho năng suất lao động, năng suất nông nghiệp chung của cả nước còn thấp.
Ông Lê Tất Thành đến từ Bắc Giang, là 1 trong 62 nhà nông sáng chế không chuyên nghiệp, là nhà nông thành lập DN, có những sản phẩm do mình chế tạo ra như máy tuốt lạc, máy sạ lúa. Sản phẩm đã được thị trường chứng minh tính khả thi song chính ông Thành chia sẻ: Tôi là DN công nghiệp phục vụ nông nghiệp, mong muốn tiếp cận vốn từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để mở rộng sản xuất.
Trong những năm qua, Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, nhưng thiếu cơ chế vận hành chính sách, nhất là cơ chế tiếp cận nguồn vốn vay.
Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp đã căn bản gỡ được nút thắt về chính sách, đáp ứng mong mỏi của nông dân, doanh nghiệp. Song đây cũng là bước thụt lùi trong việc phát huy nội lực để phục vụ nông nghiệp của ngành cơ khí trong nước.
Công nghệ cao: Vẫn đếm trên đầu ngón tay
Công nghệ được coi là chìa khóa tái cơ cấu nông nghiệp, là lời giải cho bài toán về an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản… Trong bối cảnh hội nhập, nông nghiệp nước ta đang đứng trước yêu cầu phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn.
Để làm được điều này, chỉ có cách duy nhất là ứng dụng,công nghệ, công nghệ cao, nhằm tăng hiệu quả, khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.
Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đưa ra các chính sách ưu đãi cao nhất, trong đó chú trọng nghiên cứu tạo công nghệ cao trong nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo, sử dụng nhân lực công nghệ cao, hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Cũng theo mục tiêu đề ra, đến năm 2020, cả nước có 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 10 khu nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp công nghệ cao, hiện cả nước mới chỉ có 22 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, trong số hàng ngàn doanh nghiệp nông nghiệp. Nguyên nhân là, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về vốn và ưu đãi đầu tư công nghệ, trong khi đây lại là lĩnh vực đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu.
Như vậy có thể thấy với những kết quả như hiện nay, việc triển khai ứng dụng khoa học phục vụ sản xuất nông nghiệp xem như vẫn rất hạn hẹp.
Giới chuyên gia bình luận, năng suất lao động nông nghiệp Việt Nam nằm ở mức thấp trong khu vực do quy mô đất đai trên lao động nước ta quá thấp. Trên 80% hộ nông dân nước ta có quy mô sản xuất dưới 1ha, thì năng suất lao động của Việt Nam thấp là điều dễ hiểu.
Nhiều khảo sát cho thấy, quy mô diện tích đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay chỉ khoảng 0,5-0,7 ha/hộ, trong khi ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi hộ thuần lúa phải có ít nhất 2 ha đất trở lên thì thu nhập từ sản xuất lúa gạo mới vượt qua ngưỡng đói nghèo.
Do đất đai quá nhỏ lẻ, người dân yêu ruộng không có động lực để đầu tư sản xuất và áp dụng công nghệ một cách bài bản. Trong tương lai, nông dân Việt Nam phải có ít nhất 1 ha đất/hộ hoặc tốt hơn là 2-3ha/hộ và đó phải là đất liền vùng, liền thửa thì họ mới thấy “đáng” để đầu tư.