Bầu cử Tổng thống Mỹ: Ai thắng, ai thua trong cuộc khẩu chiến không khoan nhượng?
Ứng viên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, được cho là đã giành phần thắng áp đảo trong vòng tranh luận đầu tiên tổ chức vào đêm hôm 26/9 (sáng 27/9 giờ VN) với 62% số cử tri theo dõi cho rằng bà đã có màn trình diễn tốt hơn, trong khi chỉ có 27% cho rằng đối thủ của bà, Donald Trump, nhỉnh hơn.
Hai ứng viên kình địch khẩu chiến không nhân nhượng trong vòng tranh luận đầu tiên tổ chức vào tối 26/9 vừa qua. (Nguồn: ABC).
Clinton thắng vòng đầu
Ngay sau khi cuộc tranh luận kết thúc, hãng CNN/ORC đã công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận, trong đó đa số các cử tri theo dõi sự kiện trên nói rằng bà Clinton đã thể hiện quan điểm của mình rõ ràng hơn và cũng hiểu biết về các vấn đề được hỏi hơn là tỷ phú Trump. Bà Clinton cũng được đánh giá là có màn trình diễn ấn tượng hơn khi đề cập tới các mối quan ngại của giới cử tri Mỹ với 57% số người tham gia thăm dò tin là bà sẽ trở thành Tổng thống Mỹ, trong khi chỉ có 35% ủng hộ ông Trump.
Khoảng cách thu hẹp hơn khi bản thăm dò xét đến tính thành thực và sự đáng tin cậy của 2 ứng viên, với 53% số cử tri nói rằng bà Clinton trung thực hơn trong khi ông Trump chỉ đạt 40% trong hạng mục này. Trong khi đó, Trump lại dẫn trước Clinton với tỷ lệ 56%-33% xét về việc ứng viên giành nhiều thời gian để công kích đối thủ của mình hơn.
Thậm chí, ngay cả phần lớn những cử tri độc lập - tức chưa quyết định ủng hộ ai - khi tham gia cuộc thăm dò này, cũng nghiêng về phía bà Clinton, với tỷ lệ ủng hộ 54% so với 33% ủng hộ ông Trump.
Có đến 47% số người được thăm dò nói rằng cuộc tranh luận sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch bỏ phiếu của họ. Nhưng đối với số còn lại, có 34% nói rằng cuộc tranh luận đã khiến họ quyết định bỏ phiếu cho bà Clinton, trong khi chỉ có 18% nói sẽ bỏ phiếu cho ông Trump.
Liên quan tới các vấn đề trong cuộc tranh luận, 62% cử tri theo dõi nói rằng bà Clinton sẽ làm tốt công việc định hình chính sách ngoại giao của Mỹ hơn là ông Trump-người chỉ có 35% số người ủng hộ. Có đến 54% cử tri cho rằng bà Clinton sẽ chống khủng bố tốt hơn trong khi ông Trump chỉ đạt 43% sự ủng hộ; trong khi về vấn đề kinh tế thì tỷ lệ khá sít sao với 51% ủng hộ bà Clinton và 47% thuộc về Trump.
55% số cử tri theo dõi cuộc tranh luận trực tiếp vừa qua nói rằng Trump không đủ khả năng để trở thành Tổng thống của họ, trong khi 43% nghĩ đến điều ngược lại. Trong số các chính trị gia theo dõi cuộc tranh luận, 50% cho rằng Trump có thể trở thành Tổng thống, trong khi 49% phản đối điều này.
Về các đòn công kích mà 2 ứng viên tung ra, 67% cử tri theo dõi nói rằng các đòn công kích mà bà Clinton nhằm vào Trump là thành công, trong khi 51% cho rằng các đòn công kích của Trump là có hiệu quả.
Điểm yếu chết người của Trump
Mở đầu cuộc tranh luận trong tối ngày 26/9, cả hai ứng viên đều tay bắt mặt mừng và tỏ rõ sự tự tin. Nhưng điều đó đã biến mất hoàn toàn ngay khi họ bước vào màn đầu tiên gồm hàng loạt các vấn đề của nước Mỹ mà cả hai phải đưa ra hướng giải quyết.
Trump có lẽ là người mong muốn giành chiến thắng hơn ai hết trong vòng tranh luận lần này bởi muốn rút ngắn khoảng cách với đối thủ Clinton. Ông bước vào vòng đối đầu một cách đầy tự tin với chiến thuật mà ông từng áp dụng thành công trước các đối thủ mà ông từng hạ bệ trước đó: Nêu ra viễn cảnh lớn, nêu các mục tiêu lớn và dìm đối thủ xuống bùn đen.
Tuy nhiên, do chiến thuật quá cũ nên dường như Trump đã bị đối thủ của mình “bắt bài”. Bàn đầu, tỷ phú Mỹ liên tiếp đưa ra hàng loạt các vấn đề, từ khủng bố, kinh tế đến việc làm… nhưng sau đó dường như lại xóa bỏ hoàn toàn những luận điểm mình xây dựng vì bị bà Clinton dẫn dắt vào vấn đề thuế liên bang hay sức khỏe, để rồi bị chôn chân tại đó.
Cũng chính vì lý do này mà Trump bị coi là không bám sát các luận điểm của mình, trong khi tạo cơ hội cho đối thủ Clinton phản kháng và thể hiện được một sự im lặng đáng ngưỡng mộ trước các đòn công kích mà ông đưa ra.
Chiến thuật mà bà Clinton đã sử dụng trong cuộc tranh luận đầu tiên với Trump dường như là một lưỡi gươm nhằm thẳng vào điểm yếu của ứng viên đảng Cộng hòa. Trong suốt khoảng thời gian 95 phút của cuộc tranh luận, bà Clinton - người vốn bị coi là mềm yếu trong các vòng tranh luận về chính trị - đã bất ngờ áp đảo nhờ liên tục đào vào các yếu điểm chết người của đối thủ.
Bà bắt đầu bằng một đòn đánh ngay vào điều cốt lõi nhất khiến Trump trở thành một tỷ phú thành công: “Ông ấy đã khởi nghiệp với 14 triệu USD mượn từ cha của ông ấy”. Điều này khiến Trump phải phản ứng lại yếu ớt: “Cha tôi đã cho tôi một khoản tiền rất nhỏ năm 1975, và tôi đã biến nó thành một công ty còn đáng giá hơn thế, nhiều tỷ USD”.
Vốn không được mô tả là một người tinh ranh như Trump, nhưng cựu Đệ nhất phu nhân lại đưa ra các đòn công kích rất thâm thúy, và thể hiện một quan điểm cứng rắn hơn rất nhiều so với những gì mà bà thể hiện trong các cuộc tranh luận ở Thượng viện hay Nhà Trắng từ trước tới giờ.
Một yếu tố giúp bà giành phần thắng trong cuộc tranh luận vừa qua chính là tạo nên sự tương phản khi lời nói rất đanh thép trong khi vẻ mặt lại rất bình thản. Bà Clinton gần như lúc nào cũng nở nụ cười mỉm trên môi trong khi lại liên tục công kích nhằm vào những điều mà Trump tự hào về bản thân mình nhất từ trước đến nay.
Chiến thuật này khiến Trump mất cân bằng sau hàng loạt các đòn công kích, có vài lần còn mất bình tĩnh và hét vào mặt đối thủ của mình.
Liên tục dính bẫy
Trong khi đó, bà Clinton liên tiếp đưa ra miếng “mồi nhử” của mình nhằm đưa Trump vào bẫy, hết lần này đến lần khác. Bà nhắc tới sự kiện vỡ bong bóng nhà đất ở Mỹ hồi năm 2006 và điều này là cơ hội để Trump ăn nên làm ra; bà còn nói rằng “Donald Trump nghi là biến đổi khí hậu là vấn đề mà người Trung Quốc gây ra”.
Khi người dẫn chương trình Lester Holt đang hối thúc ông Trump trả lời về việc tại sao ông này từ chối công khai lợi tức để đóng thuế, bà Clinton lại tiếp tục công kích: “Các bạn hãy tự hỏi, tại sao ông ấy không công bố điều này? Tôi nghĩ rằng có một vài lý do. Đầu tiên, có thể ông ấy không giàu có như ông ấy nói. Thứ hai, có thể ông ấy không làm từ thiện nhiều như ông ấy từng tuyên bố. cũng có thể ông ấy không muốn người dân Mỹ, tất cả những ai đang theo dõi tối nay, biết được rằng ông ấy không hề đóng góp cho thuế liên bang”.
Về phần mình, Trump cũng nhiều lần đẩy bà Clinton vào thế phòng thủ, nhất là khi ứng viên đảng Cộng hòa đưa ra vấn đề thương mại tự do, trong đó nói rằng các hiệp ước hiện tại - gồm cả Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mà chồng bà, Tổng thống Bill Clinton từng ký kết - đã gây ảnh hưởng tới nhân công Mỹ.
“Ông ấy đã phê chuẩn NAFTA, thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từng được phê chuẩn ở đất nước này” - ông Trump nói.
Ứng viên đảng Cộng hòa từng cố gắng cứu vãn tình thế khi tuyên bố rằng ông có tính khí tốt hơn bà Clinton, nhưng đây lại chính là một bước đi sai lầm của nhà tỷ phú này khi khiến giới cử tri đang theo dõi nhớ lại thực tế rằng chính ông mới là người hay mất bình tĩnh và vạ miệng nhất trong suốt cuộc bầu cử này.
Nó cũng tạo ra cơ hội cho bà Clinton để nhắc lại câu nói ưa thích của bà về Trump: “Một người đàn ông có thể dễ dàng mất bình tĩnh chỉ vì một đoạn tweet (bình luận trên Twitter) thì không nên đặt ngón tay gần mã hạt nhân”.
Trump cũng dễ dàng mắc bẫy khi tìm cách chuyển hướng nói về vấn đề giới tính, sau khi Holt hỏi ông về bình luận mà ông từng đưa ra rằng bà Clinton không có “vẻ ngoài của một vị Tổng thống”.
“Bà ấy không có dáng vẻ đó. Bà ấy không có đủ sức khỏe” - Trump nói.
Và bà Clinton phản bác: “Giờ ông ấy lại cố gắng chuyển từ vấn đề vẻ ngoài sang sức khỏe, nhưng đây là một người đàn ông đã từng gọi phụ nữ là lợn, chó và bùn đất”.
Ngay trong thời điểm mà vòng tranh luận trực tiếp đến gần, chiến dịch của bà Clinton đã bị ảnh hưởng không nhỏ từ các lời rèm pha về vấn đề sức khỏe của bà. Trump cũng đã cố gắng nhằm vào điểm yếu này, nhưng lại bất ngờ bị “hớ” vì tạo cơ hội cho bà Clinton trình bày về hoạt động dày đặc của bà khi còn giữ vị trí Ngoại trưởng Mỹ.
“Ngay khi ông ấy phải công du tới 112 quốc gia và đàm phán một thỏa thuận hòa bình, một lệnh ngừng bắn, trao trả tự do cho cho tù nhân hay mở ra những cơ hội mới ở một quốc gia trên thế giới, hay thậm chí trải qua 11 giờ đồng hồ đứng trước một Ủy ban Quốc hội… ông ấy mới có thể bàn chuyện thể lực với tôi được” - bà Clinton đáp trả.
Donald Trump khịt mũi gây sốt cộng đồng mạng Việc ông Trump khịt mũi quá nhiều trong cuộc tranh luận vừa qua đã khiến những từ như “Trump khịt mũi” hay “Khụt khịt” trở thành từ khóa được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội Twitter. Một số cư dân mạng cho rằng Trump có thể cũng bị mắc viêm phổi như bà Clinton; số khác cho rằng ông bị dị ứng theo mùa. Số còn lại nói có thể ông đã dùng bình xịt mũi trước khi tham gia buổi tranh luận. “Không có gì về email. Không có gì về Quỹ Clinton tham nhũng. Và không có gì về Benghazi”; ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump viết trên tài khoản Twitter cá nhân ngay sau khi cuộc tranh luận kết thúc, phàn nàn về việc người dẫn chương trình Lester Holt có thể đã thiên vị đối thủ của ông, vì không đề cập gì tới các vụ bê bối mà bà Clinton vướng phải. |