WHO: 90% dân số thế giới ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí

Khánh Duy 28/09/2016 06:22

Thế giới hiện nay có đến 90% dân số đang phải hít thở trong bầu không khí độc hại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố trong bản báo cáo mới đưa ra hôm 27/9, trong đó kêu gọi chính phủ các nước cần phải có hành động ngay lập tức để giải quyết tình trạng ô nhiễm đã khiến hơn 6 triệu người chết mỗi năm.

WHO: 90% dân số thế giới ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí

Người dân Trung Quốc đeo khẩu trang để chống ô nhiễm không khí khi ra đường. (Nguồn: EPA).

Dữ liệu mới trong bản báo cáo mà WHO đưa ra “là chưa đủ để khiến cho tất cả chúng ta thực sự quan ngại”, bà Maria Neira, người đứng đầu cơ quan phụ trách vấn đề sức khỏe cộng đồng và môi trường của WHO, nhận định. Theo vị chuyên gia, vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất là tại các thành phố, nhưng chất lượng không khí tại các vùng nông thông cũng tồi tệ hơn là nhiều người nghĩ.

Ngoài ra, còn tồn tại một thực tế đáng ngại là chính các nước nghèo hơn lại có bầu không khí bẩn hơn các nước phát triển, theo báo cáo, nhưng dù vậy tình trạng ô nhiễm vẫn “ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia trên thế giới và tất cả các thành phần của xã hội”.

“Đây là một tình trạng khẩn cấp về vấn đề sức khỏe. Trong khi đó các hành động cấp thiết nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí lại chưa thể được đưa ra sớm hơn” - bà Neira nói đồng thời kêu gọi chính phủ các nước cắt giảm lưu lượng các loại xe cơ giới hoạt động trên đường phố, cải thiện quản lý rác thải và thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sạch.

Báo cáo mới được công bố dựa trên dữ liệu được thu thập từ hơn 3.000 địa điểm trên khắp toàn cầu. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, có đến 92% người dân trên toàn thế giới đang phải sinh sống và làm việc ở những nơi có chất lượng không khí tệ hại, mức độ ô nhiễm vượt quá mức mà WHO quy định.

Dữ liệu trên tập trung vào đo lường các loại vật chất dạng hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, hay còn gọi là PM2.5. Loại vật chất này bao gồm các chất độc hóa học như Sulfate và carbon đen, có khả năng thâm nhập sâu vào phổi hay hệ tim mạch của con người. Không khí có chứa trên 10 microgram PM2.5 trên mỗi mét khối được xem là không đạt tiêu chuẩn sức khỏe.

Ở một số khu vực, dữ liệu mà vệ tinh đã thu được mức độ PM2.5, nhưng ở phần lớn các nước đang phát triển vệ tinh không thể thu thập được dữ liệu, khiến cho WHO buộc phải dựa vào các ước tính của họ.

g dù còn tồn tại nhiều lỗ hổng trong dữ liệu báo cáo, nhưng bà Neira cho hay WHO hiện đã nắm được rất nhiều lượng thông tin cần thiết để cho thấy bầu không khí trên thế giới của chúng ta đang tồi tệ như thế nào. Việc sử dụng dữ liệu vệ tinh và đo đạc dưới mặt đất là một bước tiến lớn trong việc tính toán cụ thể mức độ ô nhiễm toàn cầu hiện nay.

6 triệu người tử vong mỗi năm

Ngoài lời cảnh báo đáng sợ về tình trạng ô nhiễm không khí trên phạm vi toàn cầu, báo cáo của WHO cũng ước tính rằng hàng năm có khoảng 6 triệu người chết do bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm trong nhà và ô nhiễm ngoài trời. Báo cáo đặc biệt quan tâm đến tình trạng ô nhiễm ngoài trời, trong đó nói rằng có hơn 3 triệu trường hợp tử vong mỗi năm có liên quan tới tình trạng này.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm trong nhà cũng gây ra mức độ thiệt hại về sức khỏe không kém, đặc biệt là tại các quốc gia nghèo đang phát triển, nơi mà phần lớn người dân vẫn phải sử dụng than củi để nấu nướng. Theo WHO, gần 90% những ca tử vong liên quan tới ô nhiễm không khí xảy ra ở các quốc gia có mức thu nhập vừa và thấp.

Khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương - gồm Trung Quốc, Malaysia và cả Việt Nam - nằm trong số những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ tình trạng ô nhiễm không khí, báo cáo của WHO cho hay.

Theo giới chuyên gia, hiện nay thế giới vẫn chưa tìm ra biện pháp thực sự hữu hiệu để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí. Ông Carlos Dora, điều phối viên thuộc cơ quan phụ trách vấn đề sức khỏe cộng đồng và môi trường của WHO, nói rằng một số chiến lược ứng phó với tình trạng trên mang lại rất ít hiệu quả.

Một ví dụ điển hình là, các cảnh báo về chất lượng không khí hàng ngày - biện pháp mà chính quyền Bắc Kinh đang áp dụng - dường như không có tác dụng bảo vệ sức khỏe đối với người dân bởi mối đe dọa chính mà họ phải đối mặt không phải là không khí ô nhiễm quá mức mà là hít phải không khí ô nhiễm ở mức độ vừa phải nhưng trong một khoảng thời gian dài.

Ngoài ra, WHO cũng cho hay không có chứng cứ cụ thể nào cho thấy việc đeo khẩu trang có thể giúp người ta chống lại không khí ô nhiễm. Theo một dữ liệu khác mà họ từng công bố hồi tháng 5 vừa qua, WHO cho hay 80% số người dân sinh sống tại khu vực thành thị trên thế giới đang phải hít thở bầu không khí kém chất lượng, trong khi con số này tăng lên 98% đối với các nước nghèo.

Khánh Duy