Học thêm ngoại ngữ thứ hai: Cần có nền tảng tiếng Anh vững
Từng có thời gian 9 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản, TS Phạm Quang Nhật Minh (ĐH FPT) chia sẻ những kinh nghiệm khi học song song 2 ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nhật trong cùng một thời điểm.
TS Phạm Quang Nhật Minh.
PV: TS có thể chia sẻ quá trình học tiếng Nhật của mình?
TS Phạm Quang Nhật Minh: Tôi học tiếng Nhật từ cuối năm thứ 3 ĐH, với một nhóm 10 người, khoảng 3 buổi/tuần, tập trung chủ yếu vào các kỹ năng để làm việc cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Nhật. Sau 2 năm, tôi đạt được chứng chỉ tiếng Nhật cấp độ 3 (san-kyu).
Sau đó, tôi đi du học sau đại học tại viện JAIST (Nhật Bản), với học bổng toàn phần của chính phủ Nhật Bản (MEXT). Tuy nhiên, trình độ tiếng Nhật của tôi lúc đó chưa đủ để tôi có thể học các môn học được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Nhật.
gian đầu, tôi hầu như không nghe được nội dung các bài giảng trên giảng đường, nên sau buổi học tôi phải về tự mình tra từ điển để hiểu các slides bài giảng bằng tiếng Nhật và tự học lại với giáo trình bằng tiếng Anh.
Với tiếng Anh, TS bắt đầu học từ khi nào?
- Tôi chính thức làm quen với tiếng Anh vào năm học lớp 6. Tuy nhiên, trong suốt những năm học phổ thông, việc học ngoại ngữ của tôi ở trên lớp hầu như chỉ chú trọng đến ngữ pháp, ít có cơ hội rèn luyện kỹ năng nghe nói.
Thêm nữa, ở cấp 3, tôi học lớp chuyên Toán nên không dành nhiều thời gian học tập cho môn học này.
Đến khi lên ĐH, hiểu được tầm quan trọng của ngoại ngữ, nên tôi đăng ký học thêm ở trung tâm, tại trường, học qua mạng…Trình độ tiếng Anh của tôi khá lên trông thấy và sau đó, có thể đi du học sau đại học ở Nhật dù trình độ tiếng Nhật lúc đó chưa tốt.
Như vậy hồi học ĐH, có thời gian TS học song song cả tiếng Anh và tiếng Nhật. Điều đó có gặp khó khăn gì không?
-Thực ra, tôi không phải là người có năng khiếu với việc học ngoại ngữ. Khi học song song cả 2 ngoại ngữ, vì 2 ngôn ngữ có sự khác biệt nhất định về cách phát âm, như số lượng các âm trong tiếng Nhật ít hơn trong tiếng Anh, một số âm khi phát âm trong tiếng Nhật khác với tiếng Anh, nên việc nhiều lúc lẫn lộn là không tránh khỏi. Lúc đó do tôi tập trung hơn vào việc học tiếng Nhật nên phản xạ đối với ngôn ngữ tiếng Anh của tôi cũng chậm đi đáng kể.
Với lứa tuổi còn nhỏ, theo TS việc học song song hai ngoại ngữ trong cùng một thời điểm có khó khăn nào không? Là một phụ huynh có con sắp bước vào lớp 1, TS sẽ hướng cho con học ngoại ngữ như thế nào?
-Từ kinh nghiệm học tập của bản thân, tôi thấy tiếng Nhật là ngôn ngữ khó học, và rất dễ quên nếu không duy trì được sự chuyên cần và đều đặn. Và như tôi đã đề cập, tiếng Anh và tiếng Nhật có những điểm khác nhau nhất định về ngữ pháp cũng như cách phát âm. Nếu học song song 2 ngôn ngữ này cùng lúc thì tôi lo ngại việc học ngoại ngữ có thể trở nên nặng nhọc và khó đạt hiệu quả cao với các em học sinh.
Là một phụ huynh, đầu tiên tôi muốn con mình có một nền tảng tiếng Anh cơ bản vững vàng trước khi học tiếng Nhật, nếu con thích hoặc cảm thấy có năng khiếu gì đó liên quan đến tiếng Nhật. Các ngoại ngữ khác cũng vậy.
Cách học mà tôi hướng cho con là bên cạnh các giờ học tiếng Anh với các giáo viên Việt Nam, các con sẽ có những giờ học trực tiếp với người bản xứ, học càng sớm càng tốt, làm sao để việc nói tiếng Anh trở thành một phản xạ tự nhiên. Kinh nghiệm của tôi là nếu được sống trong môi trường ngoại ngữ, chẳng hạn nghe bố mẹ, ông bà trò chuyện với nhau… thì khả năng của con trẻ sẽ tiến bộ rất nhanh.
Nhưng đối với học sinh ở các tỉnh lẻ, cơ hội thường xuyên tiếp xúc với người bản xứ khi học ngoại ngữ là rất ít.
- Đúng vậy, Ngoài ra có thể học tiếng Anh qua mạng, hiện có nhiều chương trình hay nhưng môi trường internet khá phức tạp, đòi hỏi bố mẹ dành nhiều thời gian học tập, nghiên cứu cùng con. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nhấn mạnh: “Nếu dạy ngoại ngữ mà không chuẩn thì đừng dạy còn hơn”.
Vì vậy, khi việc học tiếng Anh hiện chủ yếu vẫn trông chờ vào đội ngũ giáo viên thì để đạt được lộ trình như Bộ GD&ĐT đưa ra trong Đề án 2020, cần quan tâm đến việc đào tạo lại nhiều giáo viên ngoại ngữ để làm sao đáp ứng được nhu cầu của việc dạy và học đổi mới. Bên cạnh đó, cần thay đổi chương trình theo hướng giảm tải ngữ pháp, tăng cường nghe nói…
Riêng tài liệu học tiếng Anh, tôi ủng hộ phương án chọn sách giáo khoa của nước nào đã áp dụng thành công biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai thay vì chúng ta tự viết. Tất nhiên cần lưu ý những điểm khác nhau giữa môi trường Việt Nam và môi trường nước ngoài để có sách giáo khoa phù hợp với học sinh Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn TS!