Năm 2017, thích hợp áp dụng thi trắc nghiệm
Ngày 27/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ ý kiến về một số vấn đề giáo dục đang được xã hội quan tâm, đặc biệt là về đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Ảnh minh họa.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Thi là khâu quan trọng của giáo dục quốc dân, để kiểm tra đánh giá được tất cả quá trình thực hiện chương trình học liệu, tổ chức phương pháp dạy, học… Cho nên lộ trình để thi cũng đã được Bộ GD&ĐT tính toán rất cân nhắc.
Trước năm 2014, chúng ta thi tốt nghiệp phổ thông xong lại thi ĐH. Sau đó là kỳ thi THPT quốc gia 2 trong 1, hướng tới mục đích thi lâu dài. Thực chất kỳ thi này như là hai bài thi gộp lại, em nào đủ điều kiện tốt nghiệp thì vào tốt nghiệp, còn em nào có học lực, kết quả tốt hơn thì phân hóa vào ĐH. Như vậy cũng đã giảm được tốn kém, phiền hà của hai kỳ thi so với trước.
Tuy nhiên, thi như vậy thì mỗi tỉnh, thành phố có một cụm thi tốt nghiệp, rồi lại có cụm ĐH tạo ra những khó cho thí sinh khi phải di chuyển từ tỉnh này qua tỉnh khác. Vì thế, năm 2016 Bộ GD&ĐT tiếp tục cải tiến, thí sinh ở tỉnh nào thi tỉnh ấy.
Tương tự, trong năm nay còn những hạn chế gì chưa thay đổi, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để đổi mới. Hạn chế thứ nhất là học tủ, học lệch. Trong giáo dục Việt Nam chúng ta hiện vẫn có tình trạng không thi không học. Với cách thi như trước năm 2016, các em chỉ tập trung vào các môn thi, còn các môn khác không thi thì không tập trung. Và khi thi tốt nghiệp phổ thông, nếu chỉ thi 3 môn chính và 1 môn tự chọn thì các em học lệch.
Hạn chế thứ hai là tính khách quan, trung thực trong kỳ thi. Mặc dù rất coi trọng, nhưng thi tự luận thì không tránh khỏi quá trình thi, coi thi, chấm thi, phúc tra… thiếu nghiêm túc, cần chấn chỉnh lại.
Trong khi thi hình thức trắc nghiệm thì có thể giải quyết. Mục đích của thi trắc nghiệm trong đó có tính đến các trường ĐH, có thể đánh giá một cách căn bản những kiến thức của học sinh chứ không phải tìm ra những nhân lực, nhân tài, năng lực vượt trội. Và trong xu hướng đảm bảo tính khách quan thì áp dụng hình thức trắc nghiệm là hiệu quả nhất. Các nước tiên tiến cũng đã thực hiện, và chúng ta cũng cần đi theo lộ trình. Trong năm 2017, Bộ vẫn để Ngữ văn thi tự luận, còn tất cả các môn khác sẽ thi trắc nghiệm khách quan.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, Bộ đã có quá trình chuẩn bị từ nhiều năm trước, khi cho phép áp dụng mô hình thi trắc nghiệm trước mắt là Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ. Và 3 năm về trước, ĐHQG HN đã thí điểm tất cả các môn, trong đó có môn Toán. Để thực hiện, ĐHQG HN cũng đã có quá trình chuẩn bị lâu dài, và có một đội ngũ làm đề thi theo mục đích là khách quan trắc nghiệm. Đề thi được đánh giá có phân hóa rộng.
Theo Bộ trưởng, năm 2017 là năm thích hợp để bắt đầu áp dụng thi trắc nghiệm diện rộng hơn. Bởi vì Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ học sinh đã được làm quen với trắc nghiệm từ nhiều năm rồi. Bên cạnh đó, năm 2017 cũng là năm để rộng đường, dần dần cho đổi mới sách giáo khoa, nâng cao hơn nữa về cách thi, đề thi.
Thực chất hiện nay, môn thi và bài thi không phải là tổng hợp, tích hợp mà chỉ là tổ hợp các môn. Như vậy, nếu thi tổ hợp được, thì năm tới nữa chúng ta có thể bắt đầu rút kinh nghiệm, tiến tới thi tổng hợp giữa các môn, rồi năm tiếp sau khi đã đổi mới sách giáo khoa có thể thực hiện tích hợp các môn… Như vậy từng năm một, chúng ta có lộ trình đổi mới gắn với sách giáo khoa. Nghĩa là quá trình đổi mới này đang trong kế hoạch và có lộ trình, chứ không phải ngẫu nhiên Bộ GD&ĐT đưa ra.
Bộ trưởng cũng chia sẻ thêm: Vừa rồi Bộ rất cố gắng nhưng công tác truyền thông có hạn chế, nên gây hoang mang dư luận.
Từ phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cũng có nhiều câu hỏi lo lắng về ngân hàng đề thi. Về điều này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định là vấn đề rất quan trọng. Hiện nay để có một ngân hàng bài thi, trên cơ sở tổ hợp phải chuẩn bị rất nhiều. Những đề này phải qua 6 bước thì mới làm được một câu hỏi theo mức độ tương đương. Bên cạnh đó phải có đánh giá, thử nghiệm, đo lường chất lượng. Đặc biệt, phải làm sao để trong một phòng thi, mỗi em có một mã đề riêng.
Đề thi này là cơ sở để các em có học lực bình thường, dù có khác đề, khác câu hỏi cũng có thể thi đỗ tốt nghiệp; còn em nào học tốt hơn có thể vào ĐH. Và khi các em thi xong sẽ chấm bằng máy, nên có thể đảm bảo tính nghiêm túc. Trong tương lai, cũng sẽ tiến tới thi bằng máy. Như vậy tính minh bạch sẽ được thể hiện rất rõ.
Hiện nay chúng ta mới chỉ áp dụng được thi theo tổ hợp, không phải tổng hợp, cũng không phải tích hợp phạm vi môn khác. Để có thể tiến tới thi tổng hợp và tích hợp chúng ta phải bắt đầu thực hiện theo lộ trình. Trong công cuộc đổi mới chương trình sách giáo khoa, hiện nay chúng ta nói nôm na là giảm tải, nhưng trong khoa học giáo dục thì có thể hiểu là những nội dung không phù hợp, làm cản trở thì sẽ loại bỏ.
Bộ đã chọn những chuyên gia để xây dựng chương trình sách giáo khoa, theo đúng chiến lược: những gì không phù hợp sẽ có kiến nghị để làm sao cho chương trình hài hòa với sách giáo khoa. Cũng như tiến tới thi, sách giáo khoa, phương thức tổ chức giảng dạy phải bền vững…
Cũng theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, trong hôm nay (28/9), Bộ sẽ công bố chính thức về phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017.