Dấu ấn của văn học trẻ

Hoàng Minh 29/09/2016 09:05

Ngày 28/9, tại Hà Nội, Hội nhà văn Việt Nam đã tổ chức khai mạc Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX. Với sự tham gia của hơn 100 nhà văn trẻ, Hội nghị là dịp nhìn kỹ hơn, sâu hơn về các cây viết trẻ, bên cạnh những quan niệm hoàn toàn mới về chức năng, giá trị của văn học đang hiện diện trong văn trẻ.

Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX.

Định danh nhà văn trẻ

Trong khuôn khổ Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX - 2016, hôm nay 29/9, sẽ diễn ra buổi Tọa đàm văn xuôi chủ đề “Văn trẻ - Nhập cuộc và sáng tạo”; Tọa đàm thơ chủ đề “Thơ trẻ - Truyền thống và cách tân” tại Hội trường Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Có thể nói, 5 năm qua nhiều người viết trẻ đã vượt lên trở thành những tên tuổi chững chạc và gặt hái được thành công. Một đặc điểm sáng tác rất cần được nhắc tới, đó là thái độ nhập cuộc có ý thức trách nhiệm của người viết trẻ với chính trị và xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: Với những người viết văn trẻ, điều khiến các bạn quan tâm nhất là đi tìm cái mới. Đây là một câu chuyện nghiêm túc và đầy trách nhiệm. Cũng cần nói thêm rằng, đi tìm cái mới không chỉ là mối quan tâm của riêng lớp trẻ, mà là nỗi khổ tâm của tất cả các nhà văn. Mối quan tâm ấy đeo đẳng suốt một đời.

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn, cái mới trong văn học thực sự, và đáng đi tìm nhất là cái mới của tư tưởng nghệ thuật, triết lý nghệ thuật. Một tác phẩm cao hay thấp, chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp trước nhất là quan trọng nhất là ở tính tư tưởng. Muốn nâng cao tính tư tưởng của tác phẩm, nhà văn phải có lý tưởng và khát vọng. Không có lý tưởng, không có khát vọng lớn thì mọi sự khéo tay tỉa tót đều chẳng đi tới đâu.

Đồng quan điểm này, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Trưởng Ban nhà văn Trẻ cũng thừa nhận sự phong phú đa dạng của văn trẻ, ngoài dòng chảy chính với số lượng khá lớn tác giả dung hòa, cân bằng được giữa cá tính sáng tạo riêng của mình với độc giả. Hiện nay, một xu hướng thiên về khám phá chiều sâu cá nhân, coi nghệ thuật là yếu tố đầu tiên và trên hết. Xu hướng này thu hút những tác giả say mê tìm kiếm hình thức biểu hiện mới, những sắc màu mới, những vấn đề có tính thâm trầm, vì thế theo quy luật thông thường, lượng độc giả phần nào bị hạn chế. Có thể điểm một vài tên tuổi điển hình: Nhật Phi với “Người ngủ thuê”, Đinh Phương với “Nhụy khúc”, Nguyễn Minh Nhật với “Âm thanh của im lặng”, Lê Minh Phong với “Trong tiếng reo của lửa”…

“Bắt bệnh” văn trẻ

Bên cạnh những thuận lợi, những kết quả đã đạt được, Hội nghị cũng đã thẳng thắn phân tích những vấn đề khó khăn, hạn chế cần phải được nhìn nhận nghiêm túc để rút kinh nghiệm cho chặng đi tiếp theo được vững vàng hơn, chất lượng hơn. Nhà văn Bình Phương nhìn nhận khó khăn của văn trẻ hiện nay là sự vênh nhau giữa số lượng với chất lượng, giữa đa dạng với độc đáo. Rất nhiều tác giả, tác phẩm xuất hiện rầm rộ, nhưng ít tác giả, tác phẩm đặc sắc. Văn trẻ đã đồng hành cùng dân tộc qua các biến cố lớn, đã sôi nổi, đã nhiệt tình, nhưng đa phần mới chỉ dừng ở đấy.

Trong khi đó thực tế đang đặt ra vô số vấn đề về kinh tế, về đạo đức, về văn hóa, thậm chí là về cả lý tưởng. Hơn bao giờ hết xã hội cần những tác phẩm đề cập một cách ráo riết, kiệt cùng tới số phận con người, cũng như cần những cắt nghĩa, những cảnh báo, cần cả khoảng yên bình, sâu lắng để tâm hồn được tĩnh lại. Vậy mà thật hiếm tác phẩm văn học đủ sức quyến rũ và độ tin cậy.

Hay như nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm nhận định: Văn học trẻ tạo nên những dấu ấn rất đáng hy vọng. Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn sáng tác của những cây bút trẻ, theo quan sát của cá nhân, có thể thấy những thành tựu của họ cũng chứng thực diện mạo, giai đoạn mà họ đang thuộc về. Nghĩa là sáng tác trẻ đa phần các tác phẩm nằm ở thể loại thơ và truyện ngắn, tản văn. Thể loại tiểu thuyết của các cây bút trẻ chưa thực sự gây được chú ý trên văn đàn. Nhưng chúng ta tin rằng, các tác giả trẻ đã nỗ lực nói lên khát vọng sống và sáng tạo nghệ thuật của mình.

Hoàng Minh