Gập ghềnh tôm giống
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã sản xuất được hơn 57 tỷ con giống, trong đó tôm thẻ chân trắng đạt gần 40 tỷ con và tôm sú đạt hơn 15 tỷ con trong khi nhu cầu tôm giống khoảng 130 tỷ con. Phần lớn tôm giống hiện nay đều phải đi nhập và chịu chi phí rất lớn.
Được coi là mặt hàng thế mạnh nhưng Việt Nam
vẫn chưa chủ động được nguồn tôm giống.
Là một trong những quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nên theo như tính toán, sắp tới chúng ta sẽ phải chuyển dịch một phần đất lúa sang nuôi trồng thủy hải sản do tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn. Và trong sự dịch chuyển này thì việc phát triển tôm và lợi thế của nó đang được đặt ra. Được coi là một đất nước có thế mạnh về biển nên tôm Việt lâu nay đã có tiếng và được nhiều thị trường biết đến trong đó có EU. Tuy nhiên, có một nghịch lý là lâu nay chúng ta vẫn chưa chủ động được tôm giống và tôm giống đều phải đi nhập ở các nước như Mỹ, Thái Lan, Mêxicô…
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận, thực tế cho thấy chất lượng con giống quyết định 70% sự thành công của người nuôi tôm thịt nên chất lượng con giống rất quan trọng đối với nghề nuôi tôm ở Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn giống tôm bố mẹ ở Việt Nam đều được nhập khẩu từ Mỹ, Singapore, Thái Lan và Mexico trong khi giống tôm sú thì khai thác ngoài tự nhiên.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã sản xuất được hơn 57 tỷ con giống, trong đó tôm thẻ chân trắng đạt gần 40 tỷ con và tôm sú đạt hơn 15 tỷ con trong khi nhu cầu tôm giống khoảng 130 tỷ con, mỗi năm cả nước cần khoảng 230 nghìn con tôm bố mẹ sản giống. Các tỉnh Nam Trung bộ là Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận là khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của cả nước. Mỗi năm khu vực này đáp ứng khoảng 50% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu thả nuôi của cả nước.
Bất cập nhất trong khâu giống, theo ông Nguyễn Hoàng Anh là vẫn còn hiện tượng cơ sở nuôi tôm giống bắt tôm thịt về làm tôm bố mẹ, thậm chí lấy nguồn tôm trôi nổi, không rõ nguồn gốc để sản xuất thậm chí nhập giống không đảm bảo chất lượng từ Trung Quốc. Điều này sẽ gây rủi ro rất lớn cho người nuôi.
Ông Nguyễn Hữu Ninh - Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho biết, tôm bố mẹ thẻ chân trắng nhập khẩu từ nước ngoài về được nuôi trong điều kiện tối ưu về nhiệt độ, độ mặn nên khi về Việt Nam nuôi với điều kiện dao động nhiệt độ, độ mặn cao, môi trường thay đổi nên khả năng sống sót thấp, khoảng 30-75%. Đây là một rủi ro lớn đối với người nuôi trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Để khắc phục điều này, trong những năm qua Viện đã nhập khẩu đàn giống bố mẹ ở các nước về và tiến hành lai tạo, chọn lựa ra đàn tôm bố mẹ thích ứng với điều kiện của vùng nuôi. Kết quả đối chứng với giống tôm nhập khẩu về cho thấy, đàn tôm thẻ chân trắng bố mẹ chọn tạo trong nước tốt hơn khi tỷ lệ sống sót cao hơn và năng suất tăng khoảng 5-7%.
Ông Trần Công Bình - Giám đốc Công ty Giống Châu Phi thì cho rằng, hiện nay chúng ta mới tập trung nghiên cứu tôm bố mẹ thẻ chân trắng sạch bệnh, tăng trưởng cao để nuôi thâm canh trong khi tôm kháng bệnh, tăng trưởng nhanh để nuôi quảng canh chưa được chú ý nhiều. Trong khi diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến đang chiếm phần lớn diện tích nuôi tôm sú ở Việt Nam, vào khoảng gần 600.000 ha hiện năng suất mới chỉ đạt 150-300tấn/ha/năm. Trong khi đó, tại Ecuado, với chương trình chọn tạo giống kháng bệnh của họ ở quy mô không lớn lắm nhưng họ đã đạt năng suất nuôi khoảng 2.300 tấn/ha/năm.
Với khẩu hiệu “nâng tầm tôm Việt”, những năm qua Tập đoàn sản xuất tôm hàng đầu Việt- Úc đã đầu tư bài bản vào sản xuất giống cũng như tôm thương phẩm theo mô hình thâm canh, năng suất và hiệu quả cao. Đây cũng là mục tiêu chung cho cả ngành tôm Việt Nam. Theo ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt- Úc cho biết, để nâng tầm được tôm Việt thì phải nâng cao giá trị gia tăng, làm sao đảm bảo giá trị tăng liên tục. Mà muốn làm như vậy chúng ta phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực cho ngành tôm. Một trong những khâu then chốt để tăng chất cho ngành tôm, đó chính là giống.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, con tôm có thị trường rất rộng. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, chúng ta còn có cơ hội biến thách thức thành lợi thế, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long khi nước biển dâng, khi hạn mặn thì chúng ta sẽ chuyển một bộ phận từ lúa sang thủy sản. Chúng ta phải có bước đi táo bạo hơn kể cả sản phẩm giống, thức ăn, công nghệ…