Nước rỉ rác chảy về đâu?
Hơn 3 năm liền, bãi rác Đông Thắng, thuộc xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ không xả ra môi trường một mét khối nước nào. Dư luận đặt câu hỏi: “Hàng trăm ngàn mét khối nước rỉ rác của bãi rác đi về đâu và tác động đến môi trường như thế nào?”.
Nước rỉ rác đang tràn ngập khu vực bãi rác Đông Thắng.
Kể từ giữa năm 2014, thành phố đã phê duyệt kế hoạch mở rộng diện tích bãi rác Đông Thắng từ 1,1ha lên 6,2ha, để tiến hành thu gom rác từ các quận Ninh Kiều, Cái Răng, huyện Phong Điền và Cờ Đỏ về đây, mỗi ngày có hơn 300 tấn rác.
Cao điểm có ngày tới gần 500 tấn rác. Thế nhưng, khi mở rộng bãi rác từ 1,1 ha lên 6,2 ha không hề có đánh giá tác động môi trường cũng không thiết kế đường ống xả nước thải qua hệ thống xử lý nước thải. Điều đáng nói ở đây là bãi rác Đông Thắng hiện đang qúa tải, bốc mùi hôi thối khiến người dân quanh đây sống dở, chết dở.
Hiện nay nguồn nước rỉ rác còn tồn đọng tại bãi rác Đông Thắng qua các năm lên đến khoảng 20.000m3. Trong khi đó, vào thời điểm mùa mưa, khối lượng nước rỉ rác này có thể tiếp tục tăng thêm gấp nhiều lần, do phần lớn diện tích của bãi rác nằm lộ thiên, không có mái che (kể cả các ô xử lí nước rỉ rác), khiến khu vực chứa nước rỉ rác như một quả bom nước thải, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước của các hộ sản xuất quanh vùng. Nếu tính lượng mưa trung bình năm của thành phố Cần Thơ dao động vào khoảng 1.500 mm, cộng với trên 60.000m2 diện tích của bãi rác Đông Thắng thì khối lượng nước rỉ rác tại bãi rác tích tụ từ năm 2014 đến nay có thể lên đến hàng trăm ngàn mét khối nước thải.
Trong khi đó, các đơn vị vận hành khâu xử lí nước rỉ rác vẫn không thể xử lí đủ tiêu chuẩn để xả thải ra môi trường một mét khối nước nào. Vậy lượng nước rỉ rác tích tụ tại bãi rác Đông Thắng trong mấy năm qua đã đi về đâu? Câu hỏi này người dân đang chờ các cơ quan chức năng của thành phố Cần Thơ trả lời.
Tại các báo cáo gần nhất của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cờ Đỏ cho thấy: Trong những ngày mưa nhiều và kéo dài, lượng nước tồn đọng tại các ô xử lý nước rỉ rác chênh lệch so với mực nước ruộng bên ngoài là rất lớn (khoảng 2,5m). Điều này cho thấy áp lực nước từ bên trong bãi rác là rất lớn, do đó nguy cơ rò rỉ nước thải ra bên ngoài là rất lớn.
Chủ tịch UBND xã Đông Thắng xác nhận: Trong năm 2015 đã xảy ra sự cố rò rỉ nước rỉ rác ra môi trường bên ngoài, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của nhiều hộ dân trồng lúa lân cận. Chính quyền xã đã phải tiến hành lập biên bản để làm căn cứ bồi thường cho các hộ dân. Gần đây nhất, vào năm 2016, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cờ Đỏ đã tiếp nhận nhiều ý kiến phản ánh của các hộ nông dân xung quanh bãi rác về tình trạng nước rỉ rác tràn ra ngoài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của bà con.
Cho đến thời điểm này, các giải pháp trước mắt của thành phố Cần Thơ cho vấn đề rò rỉ nước rỉ rác ra bên ngoài chỉ dừng lại ở việc gia cố đê bao xung quanh khu vực tiếp giáp bên ngoài. Được biết, mặc dù không thể xả thải ra môi trường, nhưng chủ đầu tư là Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Cờ Đỏ vẫn nghiệm thu và chi trả cho đơn vị xử lí nước rỉ rác trên 1 tỉ đồng trong năm 2015.
Hiện bãi rác Đông Thắng có 6 lò đốt rác, nhưng chỉ còn vận hành 3 lò của Công ty Minh Thông đầu tư (công suất khoảng 75 tấn/ngày); còn 3 lò do UBND huyện Cờ Đỏ đầu tư (công suất khoảng 30 tấn/ngày), đã tạm ngưng hoạt động từ cuối tháng 6 đến nay. Do đó, áp lực về khối lượng rác chôn lấp là rất lớn. Hiện 7/8 ô chứa rác trong bãi đã đầy, nhưng chỉ đậy bạt được 4 ô, còn lại không thể đậy vì phải để tiếp nhận rác hàng ngày.
Tuy nhiên, hiện nay khu đất dự trữ 8 ha dùng làm bãi chôn lấp của bãi rác đã bị nước rỉ rác xâm chiếm. Do đó, việc triển khai xây dựng ô chôn lấp rác (ô số 8) không thể thực hiện được, do chủ đầu tư và đơn vị thi công chưa có phương án giải quyết phần nước rỉ rác tràn qua.
Trong khi chờ thành phố có các giải pháp khắc phục hiệu quả thì người dân sống gần bãi rác Đông Thắng vẫn phải chấp nhận sống trong cảnh sức khỏe bị đe dọa, sản xuất bị ảnh hưởng và những tác động tiêu cực khôn lường đến môi trường.